Tin tức sự kiện
Áp chuẩn cho đèn LED từ 1/6/2020: Sản phẩm kém chất lượng ‘hết cửa’
Theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ 1/6/2020 mặt hàng đèn LED phải kiểm tra chất lượng theo QCVN 19/2019/BKHCN.

Hiện nay trên thị trường bóng đèn LED đang là mặt hàng chiếu sáng tiêu thụ mạnh nhất. Do tiết kiệm điện, tuổi thọ cao nên bóng đèn LED được người tiêu dùng lựa chọn dùng cho chiếu sáng gia đình như đèn bàn, đèn trang trí, đèn học, đèn vườn.

Thị trường đèn LED hiện nay khá đa dạng và đầy tiềm năng, được người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa sử dụng, do đèn LED có nhiều ưu điểm như: hiệu suất phát sáng và tuổi thọ cao, kết cấu đèn chắc chắn, khởi động nhanh, tiết kiệm điện. Thị trường đầy tiềm năng này đã và đang bị trà trộn đèn LED chất lượng, khiến cho người tiêu dùng rất khó phân biệt. Đèn LED chất lượng kém sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường…

 Từ 1/6/2020 đèn LED sẽ phải áp dụng QCVN 19:2019/BKHCN trước khi lưu thông trên thị trường.

Theo GS. TS Phan Hồng Khôi, Giám đốc Điều hành Dự án chiếu sáng công cộng tại Việt Nam, không ít bóng đèn Led trôi nổi được bán trên thị trường, các bóng đèn Led không có nguồn gốc xuất xứ này sau khi kiểm tra cho ra kết quả không đạt tiêu chuẩn, như khả năng tiết kiệm điện không cao, bộ nguồn điện không đảm bảo, độ rọi kém, độ hoàn màu thấp, nhiệt độ màu không phù hợp, gây nhức mắt, dễ bị cận, ảnh hưởng cho mắt.

GS. TS Phan Hồng Khôi cho hay, đèn LED kém chất lượng có thể phát ra lượng ánh sáng xanh quá mức cho phép, nếu tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng xanh sẽ ảnh hưởng đến nhịp sinh học của cơ thể, chu kỳ ngủ và các hoạt động tự nhiên khác của con người, đồng thời có thể làm hỏng các tế bào nhạy cảm với ánh sáng ở võng mạc, gây thoái hóa điểm vàng và làm giảm thị lực.

“Đèn LED được cấp nguồn điện 1 chiều DC bởi bộ điều khiển đèn (Driver). Nếu bộ điều khiển đèn có chất lượng kém thì dòng điện 1 chiều cung cấp cho đèn sẽ không ổn định và gây ra hiện tượng nhấp nháy từ đèn. Sự nhấp nháy từ đèn LED làm ảnh hưởng đến thị lực của mắt, gây chóng mặt, mỏi mắt, đau đầu…”, ông Khôi cho biết.

Về an toàn điện, ông Khôi cho rằng, đèn LED là thiết bị điện nên nếu không được thiết kế và sản xuất phù hợp với các tiêu chuẩn về an toàn, nó có thể là nguồn gây ra các nguy cơ mất an toàn như điện giật, quá nhiệt… Bên cạnh đó, các bộ điều khiển đèn LED (Driver) thường là nguồn phát sinh nhiễu điện từ, nếu không được tích hợp mạch lọc nhiễu EMI sẽ gây ra nhiễu điện từ ảnh hưởng đến hoạt động của các thiết bị điện tử xung quanh nơi lắp đặt đèn.

Để lành mạnh thị trường đồng thời bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành thông tư 08/2019/BKHCN ngày 25/9/2019 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN 19/2019/BKHCN ) về sản phẩm chiếu sáng bằng công nghệ LED. Đồng thời ban hành quyết định 3810/QĐ- BKHCN ngày 18/12/2019 của Bộ KHCN, mặt hàng đèn LED phải kiểm tra chất lượng theo QCVN 19/2019/BKHCN.

Theo đó, kể từ ngày 1/6/2020, các sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu phải đáp ứng yêu cầu về an toàn và giới hạn nhiễu điện từ (EMI) theo quy định của QCVN 19:2019/BKHCN trước khi lưu thông trên thị trường.

Kể từ ngày 1/6/ 2021, các sản phẩm quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo QCVN 19:2019/BKHCN phải đáp ứng tất cả các yêu cầu quy định tại Mục 2 của QCVN 19:2019/BKHCN trước khi lưu thông trên thị trường (bao gồm cả yêu cầu về an toàn, nhiễu điện từ EMI và miễn nhiễm điện từ EMS).

Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm chiếu sáng bằng công nghệ LED áp dụng các quy định của QCVN 19:2019/BKHCN kể từ ngày Thông tư 08/2019/BKHCN có hiệu lực (kể từ ngày 25/9/2019).

Các loại đèn LED thông dụng cố định và di động bao gồm, bóng LED, LED tube, đèn rọi LED downlight, đèn điện LED Luminaire, và các loại loại đèn LED có ballast lắp liền đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn này. Các doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện thử nghiệm và chứng nhận hợp quy đèn LED theo QCVN 19:2019/BKHCN trước khi bán ra thị trường kể từ ngày 01/06/2020 và phải thực hiện yêu cầu về hiệu suất năng lượng tối thiểu và dán nhãn năng lượng cho đèn LED có ballast lắp liền có đầu đèn E27 và B22 cùng tuýp LED 2 đầu loại đầu đèn G5 và G13 theo quy định của Bộ Công Thương.

Theo bà Ngô Thị Ngọc Hà – Phó viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), hiện nay có 18 TCVN cho đèn LED. Hệ thống TCVN về đèn led có thể chia thành 4 loại: tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn tính năng, tiêu chuẩn phương pháp thử và tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng.

Đèn LED hiện đã được đưa vào danh mục phương tiện thiết bị phải dán nhãn năng lượng theo quyết định số 04/2017/QĐ-TTG và việc dán nhãn này đã trở thành bắt buộc kể từ ngày 1/1/2020.

Nguồn: tcvn.gov.vn
Tin khác