Để phòng, tránh ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần nêu cao trách nhiệm, lương tâm trong sản xuất; thực hiện đúng các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.
Cụ thể, theo PGS.TS Nguyễn Quang Dũng - Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng (Đại học Y Hà Nội): Vào dịp Tết Trung thu hàng năm, nhu cầu tiêu dùng về bánh, kẹo, đặc biệt là bánh trung thu các loại tăng cao, bao gồm cả số lượng và chủng loại. Bên cạnh đó, nhiều loại thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài chưa được kiểm nghiệm chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được bày bán tràn lan tại các cửa hàng, chợ đầu mối, nhỏ lẻ..., gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Để phòng, tránh ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng, bác sĩ Nguyễn Quang Dũng nhấn mạnh: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần nêu cao trách nhiệm, lương tâm trong sản xuất; thực hiện đúng các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP). Trước hết, phải đảm bảo điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm và việc tự công bố sản phẩm.
Các cơ sở kinh doanh thực phẩm cần bảo quản sản phẩm thực phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì. Đối với bánh Trung thu, cần bày bán và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để bánh trực tiếp dưới ánh nắng, không để gần hàng hóa có mùi lạ. Tuyệt đối không được bán bánh trôi nổi, không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bị mốc, hỏng.
Đối với người tiêu dùng, để đón Tết Trung thu vui tươi, lành mạnh mọi người cần nâng cao ý thức về đảm bảo ATTP, phòng tránh ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Người tiêu dùng cần trang bị cho mình kiến thức trong lựa chọn, bảo quản và sử dụng bánh trung thu để đảm bảo sử dụng bánh an toàn nhất cho mình.
Ảnh minh họa
Cách lựa chọn bánh Trung thu an toàn
Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng: Có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, hướng dẫn sử dụng bảo quản... Chỉ mua, sử dụng thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, không bị dập nát, biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, mốc, hư hỏng, không có mùi khác lạ... Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng và phải còn hạn sử dụng.
Người tiêu dùng nên lựa chọn mua sản phẩm của các nhà sản xuất đáp ứng được quy định về đảm bảo ATTP.
Sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: Có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Tuyệt đối không mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng.
Cách bảo quản và sử dụng bánh Trung thu an toàn
Bảo quản và sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất được ghi trên bao bì hàng hóa của sản phẩm và lưu ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất như: Đối tượng sử dụng và một số lưu ý khi sử dụng (nếu có).
Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy, tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Chỉ sử dụng bánh khi còn hạn, bao bì còn nguyên vẹn, không bị dập nát, biến dạng, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, mốc và mùi khác lạ...
Rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và trước khi ăn bánh.
Không ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm.
Khi có những bất thường về sức khoẻ do ăn uống nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, trợ giúp kịp thời.
Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, mỗi người, mỗi nhà hãy nêu cao ý thức, tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm biến dạng… để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mình và gia đình trong dịp tết Trung thu.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định, bánh Trung thu thuộc nhóm sản phẩm tự công bố, do đó cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu phải tiến hành kiểm nghiệm và công bố các chỉ tiêu kiểm nghiệm bánh Trung thu theo quy định trước khi đưa bánh ra thị trường để xác định các chỉ số về vệ sinh an toàn thực phẩm; quy chuẩn trước khi đóng gói, sản xuất.
Đồng thời việc kiểm nghiệm còn giúp đánh giá nguyên liệu đầu vào, khẳng định phương pháp sản xuất đã đạt tối ưu và an toàn thực phẩm cũng như thể hiện đặc điểm nổi trội của sản phẩm để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng nên việc kiểm nghiệm bánh Trung thu được xem là việc làm bắt buộc giúp các đơn vị sản xuất có căn cứ làm thủ tục công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để hoạt động kinh doanh và nâng cao uy tín của mình.
Theo quy định, các chỉ tiêu kiểm nghiệm bánh trung thu căn cứ vào các quy định, quy chuẩn sau: Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT ngày 19/12/2007 về việc ban hành Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm; QCVN 8-2:2011/BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm; QCVN 8-1:2011/BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm trong thực phẩm; QCVN 8-3:2012/BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm; TCVN 12940:2020 Bánh nướng và TCVN 12941:2020 Bánh dẻo.
Nguồn: vietq.vn