Tin tức sự kiện
Quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sau khi được cấp chứng nhận
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ.

Trong đó nêu rõ quy trình Kiểm tra chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sau khi được cấp Giấy chứng nhận.

Theo dự thảo, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sau khi được cấp Giấy chứng nhận phải đáp ứng các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố hàng năm. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận khi lưu thông trên thị trường phải có Lô gô sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (VIETNAM ORGANIC).

Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sau khi được cấp Giấy chứng nhận được đề xuất thực hiện theo quy định sau: Cơ quan kiểm tra là các Tổng cục, Cục căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thành lập đoàn kiểm tra đối với các sản phẩm được giao quản lý.

Đoàn kiểm tra công bố Quyết định thành lập đoàn và thông báo kế hoạch, mục đích và nội dung kiểm tra. Tiến hành kiểm tra thực tế (điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực tham gia sản xuất, kinh doanh), kiểm tra hồ sơ, tài liệu, nhãn sản phẩm, sử dụng lô gô và phỏng vấn (nếu cần). Lấy mẫu thử nghiệm khi nghi ngờ việc sử dụng vật tư đầu vào ngoài danh mục cho phép tại tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ hoặc sản phẩm nhiễm kim loại nặng, vi sinh vật gây hại vượt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ được phép áp dụng tại Việt Nam. Lập biên bản kiểm tra và họp kết thúc, thông báo kết quả kiểm tra.

Dự thảo nêu rõ, biên bản kiểm tra phải được đoàn kiểm tra lập tại cơ sở ngay sau khi kết thúc kiểm tra; thể hiện đầy đủ, chính xác kết quả kiểm tra; ghi rõ các hạng mục không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và thời hạn yêu cầu cơ sở khắc phục các sai lỗi; nêu kết luận chung về điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và các yêu cầu đáp ứng theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Bên cạnh đó, biên bản kiểm tra phải có ý kiến của người đại diện có thẩm quyền của cơ sở về kết quả kiểm tra, hành động khắc phục các sai lỗi (nếu có); có chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra, chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của cơ sở, đóng dấu giáp lai của cơ sở (nếu có) vào biên bản kiểm tra hoặc ký từng trang trong trường hợp cơ sở không có con dấu. Trường hợp đại diện cơ sở không đồng ý ký tên vào Biên bản kiểm tra thì Đoàn kiểm tra phải ghi: “Đại diện cơ sở được kiểm tra không ký biên bản” và nêu rõ lý do đại diện cơ sở không ký. Biên bản này vẫn có giá trị pháp lý khi có đầy đủ chữ ký của tất cả các thành viên trong Đoàn kiểm tra. Biên bản kiểm tra được lập thành 3 bản: 1 bản lưu tại Cơ quan kiểm tra, 1 bản lưu tại cơ sở, 1 bản lưu hồ sơ kiểm tra; trường hợp cần thiết có thể tăng thêm số bản.

Đoàn kiểm tra, cơ quan kiểm tra thực hiện xử lý cơ sở có vi phạm theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan.

                                                                                                                               Nguồn: vietq.vn

Tin khác