Tin tức sự kiện
Bộ kit test nhanh virus corona mới: Thành quả từ nhiều đêm không ngủ của các nhà khoa học
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, bộ kit test nhanh virus corona chủng mới vừa ra đời là thành quả từ nhiều đêm không ngủ của các nhà khoa học, trong đó, có không ít các nhà khoa học trẻ.

Kết quả từ nhiều đêm không ngủ của các nhà khoa học

Phát biểu tại họp báo giới thiệu về kết quả nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm (bộ kit test nhanh virus corona mới) có tên gọi là “bộ kit real-time RT-PCR one step”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) gây ra, thời gian qua, cả hệ thống chính trị của Việt Nam đã chủ động, trách nhiệm và tích cực vào cuộc để phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh.

Trong đó, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) với chức năng và nhiệm vụ của mình đã có những biện pháp để tham gia vào nhiệm vụ quan trọng và cấp bách này. Một trong những vấn đề thiết yếu đặt ra cho ngành KH&CN là làm sao sớm nghiên cứu, chế tạo ra công cụ để chẩn đoán nhanh các trường hợp nhiễm virus corona chủng mới (loại virus có tên Sars-Cov-2).

 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, tổ chức góp phần sản xuất thành công bộ kit real-time RT-PCR one step.

Nhận thức rõ điều đó, ngay từ những ngày đầu có dịch, Bộ KH&CN đã tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu cùng nhau bàn bạc, đề ra các giải pháp và cách thức triển khai các giải pháp. Và để cụ thể các giải pháp đó, Bộ KH&CN đã đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia để nghiên cứu về dịch tễ học, virus học, pháp đồ điều trị, đặc biệt là chế tạo nên những bộ sinh phẩm (bộ kit test nhanh) virus corona chủng mới.

Một trong các nhiệm vụ nêu trên đến hôm nay đã cho kết quả, cụ thể là việc ra đời bộ kit real-time-RT-PCR sau nỗ lực hợp tác của Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR và RT PCR phát hiện vi rút corona chủng mới (nCoV)” do Bộ KH&CN phê duyệt (một trong 4 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đột xuất góp phần phòng chống dịch bệnh).

“Khoảng thời điểm ngày 22-23/1/2020 thì Việt Nam phát hiện ra ca nhiễm virus corona chủng mới đầu tiên ở TP.HCM. Tới ngày 30/1 (mùng 6 Tết âm lịch), Thủ tướng chính thức quyết định lập Ban Chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh bởi đây được xác định sẽ là một sự cố rất lớn đối với đất nước. Ban chỉ đạo có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành. Sau đó, các Bộ, ngành, địa phương đều thành lập các Ban chỉ đạo riêng. Ý thức được đó là một vấn đề lớn nên cũng ngay trong ngày 30/1, Bộ KH&CN đã mời các chuyên gia hàng đầu về y tế, các nhà khoa học liên quan tới truyền nhiềm, tế bào… họp và chúng tôi xin ý kiến tư vấn của họ.

Sau đó, căn cứ vào ý kiến tham mưu của nhà khoa học, các nhà quản lý, Bộ KH&CN đã cho triển khai một số hướng nghiên cứu rất cấp thiết, hết sức nhanh để đối phó với dịch bệnh theo tinh thần Thủ tướng đã nói là “chống dịch như chống giặc”. Trong đó, có một việc cấp bách là nghiên cứu và chế tạo, làm chủ, sản xuất quy mô lớn bộ kit test nhanh virus corona chủng mới. Bộ kit này đặc biệt quan trọng, giúp chúng ta chủ động trong tình huống dịch lây lan ra quy mô lớn. Khi đó chúng ta có thể sàng lọc nhanh chóng các trường hợp lây nhiễm virus corona chủng mới để có phương án điều trị nhanh”, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nói.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ KH&CN, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, vật tư y tế, trang thiết bị đặc biệt là những bộ kit test nhanh sẽ thiếu, không đủ nhu cầu sử dụng và cũng không dễ mua được. Đó cũng chính là lý do Bộ KH&CN tích cực đẩy nhanh các nghiên cứu, các nhiệm vụ khoa học nhằm đối phó với dịch bệnh.

 

 

Đại diện nhóm nghiên cứu thuộc Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á giới thiệu về bộ kit. 

Và cuối cùng, sau một thời gian dài có sự tham gia của các nhà khoa học (Học viện Quân y, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) và Công ty Việt Á, đến ngày 3/3 vừa qua, chúng ta thành công trong chế tạo bộ kit test nhanh virus corona. Bộ kit này hiện đã đảm bảo đủ tin cậy, an toàn và có thể sản xuất hàng loạt.

“Ở đây chắc đã có nhiều nhà khoa học, trong đó có những nhà khoa học còn rất trẻ đã nhiều đêm không ngủ. Có những người đến làm luôn ở Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhiều ngày đêm liên tục. Chiều ngày hôm qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã chính thức ký quyết định đồng ý cho phép sản xuất bộ kit test nhanh virus corona mới ở quy mô lớn. Khi đó, tôi đã gọi cho các nhà khoa học và họ cho biết họ đã không ngủ được vì vui mừng. Có thể thấy, chúng ta đã có những kết quả tốt nhờ nỗ lực phi thường, đóng góp của các nhà khoa học.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc nói thêm, Việt Nam đã trải qua nhiều dịch nhưng chưa bao giờ quy mô dịch bệnh nào lại lớn như giai đoạn này. Nguyên nhân là do xã hội loài người đã phát triển nên việc giao lưu rộng hơn, quy mô lây nhiễm lớn hơn. Thêm vào đó, tần suất xuất hiện các dịch bệnh quy mô toàn cầu cũng chưa bao giờ dày như giai đoạn này. Dịch càng ngày có quy mô lớn hơn nhiều và độ nguy hiểm cũng thay đổi.

Bộ kit này đặc biệt quan trọng trong phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, ai dương tính hay âm tính với SARS-CoV-19 sẽ cho ra kết quả ngay. Ngoài ra, trong trường hợp bùng phát dịch bệnh, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động về nguồn cung bộ kit test COVID-19, cả về mặt giá cả và số lượng, không phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài..

Bộ kit ra đời là thành quả “không thể tưởng tượng”

Ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật cho biết, đây là lần đầu tiên trong thời gian ngắn, với sự phối hợp của các nhà khoa học, các nhà quản lý, doannh nghiệp, chúng ta đã thành công trong việc sản xuất bộ kit test nhanh virus corona chủng mới.

“Kể từ khi đề tài được Bộ KH&CN phê duyệt, bắt đầu nghiên cứu, chế tạo, được Bộ Y tế kiểm định, tất cả quá trình tạo ra bộ kit diễn ra vỏn vẹn trong vòng một tháng. Đây là điều không thể tưởng tượng được. Vì sao tôi nói như vậy, bởi vì việc nghiên cứu và được vào ứng dụng một sản phẩm trong lĩnh vực y tế đòi hỏi những quy trình nghiên cứu, kiểm tra hết sức nghiêm ngặt, chặt chẽ. Đồng thời sản phẩm đó phải được sản xuất trên dây chuyền, thiết bị đảm bảo những tiêu chuẩn khắt khe.

Bộ sinh phẩm mà chúng ta mới chế tạo đã được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn ISO 13485. Đây không phải dây chuyền mà doanh nghiệp nào, tổ chức nào cũng có điều kiện sở hữu và có thể sản xuất được”, ông Trịnh Thanh Hùng cho hay.

 

Ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật đánh giá, việc sản xuất thành công bộ kit trong thời gian ngắn là điều “không thể tưởng tượng được”.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật, hiện nay, trên thực tế cũng đã có một số nhóm sản xuất các chế phẩm sinh học, các bộ kit test nhanh virus corona. Tuy nhiên, bộ kit real-time RT-PCR one step là bộ kit đầu tiên được cấp phép lưu hành nhanh và được phép sản xuất hàng loạt, trải qua sự đánh giá nghiêm ngặt từ các cơ quan y tế. Một số bộ kit trước đó mới chỉ có kết quả bước đầu và chưa được đưa vào ứng dụng rộng rãi cũng như sản xuất ở quy mô lớn.

Thành quả của sự tâm huyết, sáng tạo

Chia sẻ về thành công trong việc chế tạo bộ kit real-time RT-PCR one step, GS. TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y nhận định, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một sản phẩm bộ kit test nhanh ứng dụng vào trong việc phòng chống dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra. Đây là một bộ kit đảm bảo chất lượng, độ nhạy, độ đặc hiệu tương đương với các bộ kit mà chúng ta nhập về sử dụng tại Việt Nam. Điều đặc biệt nữa là chúng ta có thể đảm bảo về mặt số lượng, chúng ta có thể mỗi ngày sản xuất được 10.000 bộ kit.

“Tôi cho rằng thành công này là kết quả của sự quan tâm, lãnh đạo sâu sát của Đảng, Chính phủ, Ban chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh Covid-19, là thành quả hợp tác giữa Bộ KH&CN, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, các nhà khoa học, các lực lượng nghiên cứu, các chuyên gia nước ngoài…

Ngay từ khi Trung Quốc công bố ca nhiễm đầu tiên, Học viện Quân y đã tiến hành cuộc họp với sự góp mặt của các nhà khoa học, triển khai ngay các hướng nghiên cứu về phòng chống, điều trị bệnh do dịch Covid-19 gây ra. Ngoài sự chủ động, thành công trong việc sản xuất ra bộ kit còn cho thấy chúng ta rất sáng tạo, rất miệt mài, thậm chí có những nỗ lực không ngừng nghỉ từ phía các nhà khoa học, các bác sĩ”, GS. TS Đỗ Quyết nói.

 

Giám đốc Học viện Quân y, GS. TS Đỗ Quyết đánh giá cao sự phối hợp của các Bộ, ngành trong việc chế tạo thành công bộ kit. 

Cũng theo Giám đốc Học viện Quân y, thành công lần này đặc biệt ghi nhận nỗ lực từ Bộ KH&CN, Công ty cổ phần công nghệ Việt Á trong việc thúc đẩy, tạo điều kiện nghiên cứu, sản xuất bộ kit trong thời gian sớm nhất mà vẫn đạt chất lượng, khả năng sản xuất quy mô lớn. Từ nền tảng đó, thời gian tới, Học viện Quân y sẽ có những nghiên cứu sâu hơn nữa về virus corona chủng mới, hướng tới kỳ vọng tìm ra vaccine phòng ngừa virus này.

“Bộ kit này đã được gửi tới tạp chi Virus học uy tín của thế giới, gửi đến WHO. Bộ kit không chỉ là câu chuyện ở riêng Việt Nam mà đã mang tầm quốc tế. Việc kịp thời nghiên cứu và sản xuất bộ kit này mang ý nghĩa quan trọng”, Giám đốc Học viện Quân y nhấn mạnh.

Ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á cho biết, năng lực sản xuất của Công ty khoảng 10.000 bộ/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần. “Ngay ngày mai có thể sản xuất 10.000 bộ”, ông Việt nói. Hiện Công ty nhận được nhiều đơn đặt hàng bộ Kit này.

Chi phí sản xuất bộ Kit đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ nên hiện giá chỉ còn 400-600.000 đồng/bộ. Giá thị trường của CDC Mỹ cao hơn gấp 4 lần, nhưng chưa sản xuất thương mại, ông Việt cho biết.

Năng lực sản xuất này được cơ quan chức năng đánh giá có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu một phần. Ngoài Việt Nam, WHO, Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Đức đã có kit thử.

Nguồn:tcvn.vn

 

Tin khác