Tin trong ngành
Kiểm tra nhà nước về đo lường, chất lượng thép làm cốt bê tông
Thực hiện Quyết định số 36/QĐ-TĐC ngày 25/5/2020 của Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) về việc thành lập đoàn kiểm tra nhà nước về việc kiểm tra đo lường, chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường đối với thép làm cốt bê tông chịu sự quản lý nhà nước được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 7:2019/BKHCN.

          Chi cục TCĐLCL Kiên Giang đã thành lập Đoàn kiểm tra nhà nước về đo lường, chất lượng và ghi nhãn hàng hóa đối với sản phẩm thép làm cốt bê tông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

          Sự kết hợp giữa bê tông và cốt thép xuất phát từ thực tế bê tông là loại vật liệu có cường độ chịu kéo thấp, do đó hạn chế khả năng sử dụng của bê tông và gây nên lãng phí trong sử dụng vật liệu. Đặc điểm này được khắc phục bằng cách thêm vào trong bê tông những thanh “cốt”, thường làm từ thép, có cường độ chịu kéo cao hơn nhiều so với bê tông. Kết cấu bê tông cốt thép được sử dụng trong hầu hết các lĩnh vực xây dựng dân dụng và xây dựng công trình giao thông như nhà ở, cầu, đường, nhà xưởng công nghiệp, sân bay, thủy lợi... 

          Kể từ ngày 21/3/2016, thép sản xuất trong nước, thép nhập khẩu phải được kiểm tra chặt về chất lượng. Đó là quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành về việc quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu.

          Bên cạnh đó, việc ghi nhãn hàng hóa cũng không kém phần quan trọng đối với hàng hóa khi lưu thông trên thị trường. Từ nhãn, người tiêu dùng có thể an tâm chọn lựa và sử dụng sản phẩm khi nhà sản xuất công bố đầy đủ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay không ít các cơ sở kinh doanh nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng thường chọn mua những sản phẩm có giá thành rẻ, nên đã kinh doanh một số mặt hàng không rõ nguồn gốc, không đúng kích cỡ và không có hồ sơ chất lượng kèm theo. Hàng hóa đa dạng mẫu mã, nguồn gốc hàng hóa cung cấp nơi thành thị và nông thôn, nơi kinh doanh lớn và hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng khác nhau nên việc tăng cường quản lý và kiểm tra là điều cần thiết.

          Trong thời gian 15 ngày kiểm tra thực tế tại 33 cơ sở kinh doanh trên địa bàn 12 huyện và thành phố (bao gồm: TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên, huyện Châu Thành, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận). Qua kiểm tra cho thấy các cơ sở kinh doanh còn thiếu sót trong việc lưu giữ hồ sơ chất lượng, hàng hóa phải có nhãn in đính kèm và phương tiện đo dùng trong mua bán phải được kiểm định định kỳ.

          Kết quả kiểm tra như sau:

          Về nhãn hàng hóa: Đoàn đã kiểm ngẫu nhiên 43 sản phẩm của 20 cơ sở kinh doanh, kết quả đều ghi nhãn đúng theo quy định. Có 13 cơ sở trong quá trình kiểm tra, trên sản phẩm thép chỉ có logo của nhà sản xuất (như: VNSTEEL, V, VAS, JPS, HOAPHAT,...), mà không có nhãn in đính kèm theo bó thép, hoặc cuộn thép với lý do được các cơ sở kinh doanh giải thích vì trong quá trình vận chuyển bị thất lạc nhãn in đính kèm.

          Tại thời điểm kiểm tra, có 22 cơ sở xuất trình được đầy đủ hồ sơ chất lượng cho các mặt hàng đang kinh doanh, 04 cơ sở xuất trình chưa đầy đủ và 07 cơ sở chưa xuất trình được hồ sơ chất lượng.

           Bên cạnh đó, còn có một số sản phẩm thép không có logo của nhà sản xuất, không có nhãn in đính kèm và cơ sở không xuất trình được hồ sơ chất lượng cho các sản phẩm đó. Đoàn lấy 06 mẫu thép để kiểm tra chất lượng.

          Thông qua cuộc kiểm tra đã tuyên truyền và giáo dục ý thức chấp hành các quy định của nhà nước đến từng cơ sở kinh doanh nhằm góp phần đảm bảo về đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa đối với các sản phẩm thép làm cốt bê tông. Bảo vệ lợi ích hợp pháp của người kinh doanh và người tiêu dùng.

                                                                                                                           Nhật Mai – Chi cục TCĐLCL

Tin khác