Tin trong ngành
Phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn: Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng
Trong bối cảnh cạnh tranh về kinh tế ngày càng gay gắt hiện nay, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp phải hoạt động hiệu quả hơn thông qua việc áp dụng rất nhiều biện pháp và giải pháp đa dạng. Trong số đó, tiêu chuẩn/quy chuẩn là công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp phát huy tiềm năng của mình trên thị trường toàn cầu.

     Trong bối cảnh cạnh tranh về kinh tế ngày càng gay gắt hiện nay, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp phải hoạt động hiệu quả hơn thông qua việc áp dụng rất nhiều biện pháp và giải pháp đa dạng. Trong số đó, tiêu chuẩn/quy chuẩn là công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp phát huy tiềm năng của mình trên thị trường toàn cầu.

     Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) của Việt Nam tính đến hết tháng 12/2020 có hơn 13.000 TCVN và khoảng trên 700 QCVN của 14 Bộ, ngành xây dựng nhằm quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc các lĩnh vực của Bộ, ngành mình quản lý liên quan đến vệ sinh, an toàn, sức khoẻ, an ninh, môi trường. Hệ thống TCVN, QCVN đã góp phần đáp ứng yêu cầu phục vụ quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong giai đoạn hiện nay.

     Năm 2020, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam được Bộ Khoa học và Công nghệ giao tổ chức 6 hội nghị, phổ biến 30 TCVN, 4 QCVN cho gần 340 doanh nghiệp, tổ chức. Đây là các đơn vị trực tiếp liên quan tới các lĩnh vực sản phẩm hàng hóa dịch vụ chủ lực như sắt thép, mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, xăng, nhiên liệu diezen và nhiên liệu sinh học, khí dầu mỏ hóa lỏng, quản lý nguồn nhân lực và trách nhiệm xã hội.

Ảnh minh họa.

     Hội nghị đã trao đổi về chỉ tiêu olefin trong xăng đối với mức 5 trong dự thảo QCVN sửa đổi, bổ sung, đề xuất nghiên cứu bổ sung TCVN về phương pháp xác định hàm lượng sắt bằng quang phổ phát xạ plasma kết nối cảm ứng (ICP); Hướng dẫn cách thức áp dụng TCVN 6702 (ASTM D 3244) trong đánh giá sự phù hợp của mẫu xăng so với tiêu chuẩn kỹ thuật được quy định trong quy chuẩn. Kiến nghị Tổng cục TCĐCCL xem xét sửa đổi Quyết định 2150/QĐ-TĐC về việc ban hành hướng dẫn chứng nhận hợp quy đối với xăng, nhiên liệu điêzen và nhiên liệu sinh học phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 1:2009/BKHCN, Thông tư số 14/2012/TT-BKHCN và Thông tư số 30/2014/TT-BKHCN.

     Trao đổi các quy định đối với LPG sử dụng làm dung môi trong công nghiệp, hướng dẫn áp dụng các TCVN qui định QCVN 8:2019/ BKHCN về Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) mới được Bộ KH&CN ký ban hành thay thế QCVN 8:2012/ BKHCN và hướng dẫn các tổ chức áp dụng đối với 06 TCVN về quản lý nguồn nhân lực và 01 TCVN về hướng dẫn trách nhiệm xã hội. Đây là các tiêu chuẩn quốc gia về quản trị nguồn nhân lực, trách nhiệm xã hội đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của doanh nghiệp, tổ chức và các trường đại học, đặc biệt trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với kỳ vọng từ các hội nghị phổ biến này, việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ ngày càng đồng bộ, phát huy hiệu quả vai trò của hoạt động tiêu chuẩn hóa trong sự phát triển chung của nền kinh tế -xã hội.

     Việc phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn mới cho các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức cá nhân là hết sức cần thiết đáp ứng mục tiêu của Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 712/QĐ- TTg ngày 25/10/2010. Kết thúc 10 năm thực hiện chương trình, đã tổ chức 105 hội nghị phổ biến 956 TCVN, 18 QCVN cho hơn 4.300 doanh nghiệp; với các TCVN, QCVN trong các lĩnh vực sản phẩm hàng hóa chủ lực. Việc phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đã mang lại những hiệu quả, lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý, xã hội cũng như người tiêu dùng

     Giúp doanh nghiệp hiểu và áp dụng đúng các QCVN, TCVN; tiếp cận thông tin cập nhật, công nghệ tiên tiến thông qua tiêu chuẩn, quy chuẩn, từ đó có điều chỉnh kịp thời trong hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu của quản lý nhà nước, xã hội, nâng cao chất lượng sản phẩm, thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường quốc tế thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn được hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế;

     Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho hoạt động tiêu chuẩn hóa và định hướng hoạt động tiêu chuẩn hóa mang tính chủ động, tích cực, đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành một công cụ hữu ích giúp nâng cao năng suất chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;

     Giúp cho sản phẩm, dịch vụ và quá trình sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn tạo ra sản phẩm, dịch vụ an toàn, có chất lượng đáp ứng yêu cầu của xã hội, bảo vệ người tiêu dùng, giảm chi phí sản xuất; tạo ra một “kênh thông tin đa chiều” để trao đổi thông tin về việc xây dựng cũng như áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;

     Giúp các nhà quản lý nắm bắt tình hình thực tế, nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, từ đó đưa ra kế hoạch, quy hoạch xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đáp ứng được thực tế, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

     Qua thực tế 10 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ phổ biến, áp dụng TCVN, QCVN cho thấy, đa số doanh nghiệp đã nhận thức được hiệu quả và lợi ích đem lại. Để tất cả doanh nghiệp cùng nhận thức rõ vai trò và sự đóng góp của tiêu chuẩn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năm 2020 Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1322/QĐ-TTg để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030.

                                                                                                Nguồn: vietq.vn

Tin khác