Tin trong ngành
Sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng
Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử.

     Theo Bộ KH&CN, Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và tạo thuận lợi cho các lực lượng thực thi trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, Chính phủ đã ban hành các Nghị định: Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 51/2019/NĐ-CP ngày 13/6/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ và Nghị định số 107/2013/NĐ-CP ngày 20/9/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Các Nghị định này đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tạo hành lang pháp lý hữu hiệu để đảm bảo công tác xử lý, xử phạt vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

     Luật số 67/2020/QH14 được ban hành với những quy định sửa đổi, bổ sung liên quan trực tiếp đến các Nghị định nêu trên như: bổ sung quy định về vi phạm hành chính nhiều lần; bổ sung quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm; sửa đổi, bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; tăng thẩm quyền xử phạt của một số chức danh; thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; thủ tục xử phạt vi phạm hành chính… Những nội dung sửa đổi, bổ sung này trong Luật số 67/2020/QH14 đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung các nội dung tương ứng tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử.

     Đồng thời, trong quá trình triển khai thi hành các Nghị định nêu trên đã phát sinh những bất cập, hạn chế, đặc biệt trong quá trình thanh tra và xử lý vi phạm. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong các Nghị định hiện hành nhằm tháo gỡ vướng mắc thực tiễn cũng là yêu cầu đặt ra từ thực tiễn cần phải giải quyết.

     Riêng đối với lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ KH&CN cho biết, sau khi Nghị định số 119/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước, trong năm 2018, Bộ KH&CN đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định.

     Cụ thể là Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành; Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Ban hành Kế hoạch hành động thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020”.

     Các văn bản này đã có nhiều điểm mới, cần phải được quy định hành vi vi phạm trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính, do vậy, việc bổ sung các hành vi mới vào Nghị định số 119/2017/NĐ-CP là yêu cầu cấp thiết. Ngày 31/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP “về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp”, tại Nghị quyết số 119/NQ-CP, Chính phủ đã giao Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 119/2017/NĐ-CP.

     Bên cạnh đó, quá trình áp dụng Nghị định số 119/2017/NĐ-CP đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc cần phải được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể như sau: (i) Mức xử phạt thấp, không đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm trong buôn bán phương tiện đo (Điều 9); (ii) Quy định mức xử phạt chưa hợp lý với tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, hành vi sản xuất hàng hóa vi phạm về chất lượng (Điều 19) có mức xử phạt thấp hơn hành vi buôn bán hàng hóa vi phạm về chất lượng (Điều 20);

     (iii) Mức phạt khác nhau đối với cùng hành vi vi phạm quy định về ghi nhãn: hành vi vi phạm về ghi nhãn phương tiện đo, chuẩn đo lường (các Điều 5, 6 và Điều 7) và vi phạm quy định về nhãn hàng hóa (Điều 30 và Điều 31); (iv) Một số biện pháp xử phạt bổ sung không hợp lý như: tước quyền sử dụng giấy chứng nhận hợp chuẩn, giấy chứng nhận hợp quy, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, chứng chỉ công nhận; chứng chỉ kiểm định tại Điều 2, Điều19;

     (v) Một số hành vi vi phạm cần có biện pháp xử phạt bổ sung để bảo đảm tính răn đe, xử lý dứt điểm hành vi vi phạm như: Hành vi thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động theo quy định; thực hiện đánh giá sự phù hợp ngoài lĩnh vực đã đăng ký (Điều 21); Hành vi sản xuất, pha chế xăng dầu khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận; Hành vi sử dụng giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu đã hết hiệu lực (Điều 29); (vi) Một số biện pháp khắc phục hậu quả không khả thi trong thực tế như: Buộc thu hồi chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn; Buộc thu hồi quyết định phê duyệt mẫu phương tiện đo đã hết hiệu lực (Điều 7, Điều 10);

    (vii) Một số biện pháp khắc phục hậu quả chưa cụ thể, chưa phù hợp với hành vi vi phạm cần phải sửa đổi, bổ sung như: điểm b khoản 6 Điều 6, điểm b khoản 6 Điều 7, điểm a khoản 6 Điều 17, khoản 5 Điều 18, khoản 6 Điều 19, khoản 3 Điều 30, khoản 8 Điều 31; (viii) Chưa quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối với một số hành vi như: Hành vi vi phạm trong sửa chữa phương tiện đo: tác động, điều chỉnh, lắp thêm, rút bớt, thay thế chức năng, cấu trúc kỹ thuật của phương tiện đo làm sai số của phương tiện đo quá phạm vi sai số cho phép hoặc làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo không đúng với mẫu phương tiện đo được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (Điều 8); hành vi vi phạm trong sử dụng phương tiện đo: sử dụng phương tiện đo chưa được kiểm định, hết hạn kiểm định (Điều 10); hành vi vi phạm về đo lường đối với hàng đóng gói sẵn: không ghi lượng hàng đóng gói sẵn, lượng của hàng đóng gói sẵn không phù hợp với tài liệu công bố, quy định của cơ quan có thẩm quyền, số đơn vị hàng đóng gói sẵn có lượng không phù hợp yêu cầu (Điều 15, 16); hành vi kinh doanh hàng hóa gian lận thời hạn sử dụng, hàng hóa hết hạn sử dụng (Điều 31;

     (ix) Một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có sự thay đổi cần được chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp; (x) Một số hành vi vi phạm cần được chỉnh sửa, bãi bỏ để phù hợp quy định mới như: hành vi kinh doanh mũ bảo hiểm (Điều 28); hành vi pha chế khí (Điều 29); (xi) Một số quy định trùng lặp với quy định về hàng giả cần được bãi bỏ (khoản 5, khoản 6 Điều 31).

Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục TCĐLCL-Bộ KH&CN) phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra đại lý xăng dầu Doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Bàn Phượng. 
 
     Từ những thực tế trên, Bộ KH&CN đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Về hành vi vi phạm: Chỉnh sửa, bổ sung, nâng mức tiền phạt đối với hành vi nhập khẩu, sản xuất, buôn bán phương tiện đo, chuẩn đo lường không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường đã được tổ chức, cá nhân công bố hoặc cơ quan quản lý về đo lường có thẩm quyền quy định áp dụng (các Điều 5, 6,7) để bảo đảm hợp lý cùng mức tiền phạt đối với hàng có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 119/2017/NĐ-CP;

     Bỏ một số quy định đã được hủy bỏ tại các Nghị định đã được ban hành: Quy định về điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm (Điều 28 Nghị định 119), giấy chứng nhận sản xuất, pha chế khí (Điều 29 Nghị định 119), quy định về sử dụng mã số mã vạch nước ngoài (Điều 32 Nghị định 119) và bỏ một số quy định không hợp lý, không khả thi, trùng lặp trong thực tế: khoản 3, khoản 6, điểm b khoản 7, khoản 8 Điều 20, Khoản 5, khoản 6 Điều 31;

     Sửa đổi, bổ sung hành vi, chỉnh sửa mức phạt để bảo đảm thống nhất với các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính mới được ban hành. Cụ thể, bổ sung khoản 1a Điều 19 hành vi: a) Không nộp cho cơ quan kiểm tra kết quả tự đánh giá sự phù hợp theo quy định trong thời hạn quy định đối với hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu mà tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định biện pháp công bố hợp quy theo kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân; b) Không nộp cho cơ quan kiểm tra bản sao y bản chính chứng chỉ chất lượng hoặc chứng thư giám định trong thời hạn quy định đối với hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu mà tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định biện pháp công bố hợp quy theo kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật”.

     Lý do: Theo quy định tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP, hàng hóa nhập khẩu được phân thành 3 nhóm (khoản 3 Điều 1: sửa đổi bổ sung khoản 2 điều 7, bổ sung khoản 2a, 2b, 2c). Đối với hàng hóa thuộc các nhóm 2a, 2b sẽ thực hiện thông quan trước, kiểm tra sau. Bổ sung khoản 1a Điều 19 để xử phạt đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa sau khi được thông quan không nộp chứng chỉ chất lượng của hàng hóa đó cho cơ quan kiểm tra nhà nước hàng hóa nhập khẩu theo quy định trước lúc đưa vào lưu thông trên thị trường.

     Sửa đổi, bổ sung Điều 27 để cập nhật, bổ sung các quy định tại Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy định “Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa” và Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt.

     Sửa đổi hành vi sản xuất, pha chế xăng dầu (Điều 29) để thống nhất với khoản 1 Điều 28 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí;

     Thực hiện Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2019 của Chính phủ, Bộ KH&CN đã nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi gian lận, giả mạo ghi nhãn, xuất xứ Việt Nam. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung các hành vi vi phạm về ghi nhãn (trong đó có nội dung bắt buộc ghi xuất xứ hàng hóa), bổ sung các biện pháp xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả tại các Điều 30, Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP để thống nhất với quy định vi phạm về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Điều 22 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, đồng thời xử lý triệt để các hành vi vi phạm;

     Bãi bỏ các quy định xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa gắn nhãn hàng hóa giả, gồm hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác; hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa (khoản 5 và khoản 6 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP) để thống nhất áp dụng quy định xử phạt theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (gọi tắt là Nghị định số 98/2020/NĐ-CP);

     Dẫn chiếu áp dụng quy định tại Điều 17, Điều 44 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP để xử phạt đối với hành vi vi phạm về gian lận, giả mạo nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

     Về hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: Bỏ một số biện pháp xử phạt bổ sung không hợp lý như: tước quyền sử dụng giấy chứng nhận hợp chuẩn, giấy chứng nhận hợp quy, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, chứng chỉ công nhận; chứng chỉ kiểm định tại Điều 2, Điều 19 (vì đây không phải là giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính);

     Sửa đổi, bổ sung quy định hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả tại Điều 2; Bổ sung biện pháp xử phạt bổ sung tại Điều 21, Điều 29, Điều 30, Điều 31; Bỏ một số biện pháp xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả do bỏ hành vi vi phạm (Điều 28, Điều 29, Điều 32 Nghị định 119); Chỉnh sửa, bổ sung một số biện pháp khắc phục hậu quả bảo đảm khả thi và xử lý triệt để hành vi vi phạm tại các Điều 5, 6, 7, 9, 10, 11, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 30 và Điều 31.

     Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: chỉnh lý, bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân (Điều 36), của Quản lý thị trường (Điều 38), của Bộ đội Biên phòng (Điều 39), của Cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành:  Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Lao động, Thương binh và Xã hội (Điều 41);

     Chỉnh lý, sửa đổi thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Công an Nhân dân, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khác (từ Điều 35 đến Điều 41) để phù hợp với quy định tại Luật số 67/2020/QH14.

Về quan điểm chỉ đạo trong xây dựng dự thảo, Bộ KH&CN nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung quy định tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính phải bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật số 67/2020/QH14 cũng như các văn bản luật khác điều chỉnh quan hệ phát sinh trong lĩnh vực KH&CN. Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan trực tiếp đến những khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong thực tiễn thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử;

     Tăng cường tính công khai, minh bạch, hiệu quả và bảo đảm dân chủ trong xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân;

     Tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước;

     Bảo đảm tính tương thích của các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

                                                                                                                   Nguồn: vietq.vn

 

Tin khác