Tin tức sự kiện
Tháo gỡ khó khăn, duy trì chuỗi cung ứng, đảm bảo phát triển kinh tế trong dài hạn
Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước những tháng cuối năm 2021 còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức. Cùng với kiểm soát thành công dịch Covid-19, việc duy trì chuỗi giá trị và cung ứng của các ngành công nghiệp chế biến chế tạo là cực kỳ quan trọng trong ngắn hạn cũng như đảm bảo phát triển kinh tế đất nước trong dài hạn.

     Doanh nghiệp khó chồng khó

     Khi dịch bệnh bùng phát trở lại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có số lượng lớn khu công nghiệp và doanh nghiệp trong các ngành chế biến, chế tạo đã khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu. 

     Cụ thể, chi phí sản xuất tăng cao, chủ yếu do giá một số nguyên vật liệu cơ bản phục vụ sản xuất tăng. Bên cạnh đó, việc phát sinh nhiều chi phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh cũng ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp.

     Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế cũng tăng rất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Giá cước container và vận chuyển bằng tàu biển tăng gấp 3-4 lần, thậm chí gấp 7-8 lần so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và chưa hạ nhiệt đang trở thành một trong những thách thức rất lớn với doanh nghiệp cả ở chiều xuất lẫn nhập khẩu.

     Bên cạnh đó là quy định về các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương không thống nhất, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điển hình là các mặt hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất bị nhiều địa phương đánh giá không phải là “hàng hóa thiết yếu”, do đó không được vận chuyển, lưu thông, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của rất nhiều doanh nghiệp;

     Việc áp dụng các quy định về phòng dịch, trong đó có yêu cầu về thời hạn và cách thức xét nghiệm Covid-19 đối với tài xế vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là vận chuyển liên tỉnh còn rất phức tạp và không thống nhất giữa các địa phương.

     Nhiều địa phương yêu cầu tài xế phải có Giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72h hoặc yêu cầu tài xế phải thực hiện cách ly, đổi tài xế trong quá trình vận chuyển… Điều này phát sinh thêm rất nhiều chi phí và thời gian cho việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp. Theo ước tính của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tình trạng trên đã gây thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải ít nhất 100 tỷ đồng/ngày.

     Cần duy trì liên tục chuỗi sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh

     Theo các chuyên gia, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Do vậy, việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19 là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế.

     Do tính chất gắn kết chặt chẽ, hữu cơ, liên tục của chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị các ngành công nghiệp trên thế giới, nếu Việt Nam không thể tận dụng cơ hội từ sự phục hồi kinh tế của thị trường lớn và đánh mất đơn hàng cung ứng cho các quốc gia này trong thời gian tới, từ đó gây ra sự đứt gãy của chuỗi sản xuất.

     Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng và sản xuất lớn sẽ tìm kiếm sự bù đắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ quốc gia khác. Việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình. Các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 85% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, có tác động lan tỏa đến các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, logistics... và đặc biệt tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động trực tiếp cũng như gián tiếp trong các ngành nghề liên quan.

     Việc đứt gãy các chuỗi giá trị và cung ứng trong các ngành sản xuất trong nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội cũng như kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.

     Vì vậy, việc duy trì liên tục các chuỗi giá trị và cung ứng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là cực kỳ quan trọng trong ngắn hạn cũng như đảm bảo phát triển kinh tế đất nước trong dài hạn.

     Theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, do ảnh hưởng của dịch bệnh và các quy định của nhiều địa phương về giãn cách xã hội, đơn hàng trong nước của nhiều ngành sản xuất như ô tô, cơ khí, thép… sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

     Đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo như điện tử, dệt may và da – giày, nếu không sớm có các giải pháp giúp doanh nghiệp khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, sớm quay trở lại sản xuất ngay bây giờ, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, và đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.

     Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn

     Hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, vừa tạo ra của cải vật chất cho xã hội, vừa tạo việc làm cho người lao động. Do đó, duy trì hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp chính là góp phần thực hiện mục tiêu vừa tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

     Sau khi tiến hành làm việc với các Hiệp hội, ngành hàng trong các ngành sản xuất, Bộ Công Thương đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong dịch Covid-19.

     Trước tiên là cần ưu tiên tiêm vaccine cho đối tượng lao động trong ngành vận tải, đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh và các đối tượng khác trong ngành logistics, như đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu… nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hoá được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất.

     Tiếp đó, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ công tác lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Cụ thể, đơn giản hóa yêu cầu về thời hạn và cách thức xét nghiệm Covid-19 đối với lực lượng tài xế vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Xem xét gỡ bỏ quy định về định mức số lượng xe ô tô ra vào địa phương; cho phép sử dụng kết quả test nhanh, test gộp đối với lái xe và người lao động di chuyển liên tỉnh thay vì chỉ chấp nhận kết quả RT-PCR như nhiều địa phương đang áp dụng;

     Đối với các lái xe đã được tiêm vaccine, cần cho phép kéo dài thời hạn giá trị của kết quả xét nghiệm âm tính đối với Covid-19; áp dụng test nhanh, test gộp (không áp dụng phương pháp RT-PCR) để tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

     Trong thời gian trước mắt, cần bổ sung một số ngành sản xuất, dịch vụ, mặt hàng vào danh mục “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” như các cơ sở chế biến thực phẩm từ các ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản để tạo điều kiện ổn định lưu thông, sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

     Cùng với những giải pháp trên, theo Bộ Công Thương, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác như: đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, trong đó ưu tiên tiến hành giải quyết và trả kết quả hành chính online, đặc biệt là các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

    Có giải pháp hỗ trợ về tài chính cho các ngành sản xuất, cụ thể: các địa phương xem xét miễn, giảm hoặc gia hạn thời hạn tăng tiền thuê đất, thuê hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh; Bộ Tài chính xem xét tiếp tục có các chính sách ân hạn, giãn, hoãn nộp các khoản thuế, phí trong một thời hạn nhất định để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cũng như tiếp tục chính sách ưu đãi về thuế, phí để kích cầu tiêu dùng trong một số ngành hàng…

    Thực hiện tốt những giải pháp trên sẽ duy trì được chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đảm bảo phát triển kinh tế đất nước trong dài hạn- Bộ Công Thương nhấn mạnh.

                                                                                                       Nguồn: vietq.vn

Tin khác