Tin trong ngành
Sữa bột xách tay trên chợ mạng: Loạn giá, loạn chất lượng
Trên thị trường sữa bột cho trẻ em đang xuất hiện nhiều sản phẩm gắn mác hàng nhập khẩu, xách tay với nhiều mức giá khác nhau, người tiêu dùng cần cẩn trọng bởi không phải sản phẩm nào cũng “chính hãng”.

     Theo tìm hiểu, sữa bột gắn các thương hiệu nổi tiếng như: Hikid (Hàn Quốc), Meiji (Nhật Bản), Aptamil (Anh), Similac, Pediasure (Mỹ), Blackmores, S26 (Australia)… được rao bán với nhiều mức giá khác nhau trên các trang mạng xã hội, sàn TMĐT…

     Đơn cử như sản phẩm sữa Meiji (Nhật Bản) loại 800g được nick name “Batomstore” đăng bán với giá 450 – 530 nghìn đồng. Nhưng tại địa chỉ “Bao Trâm” lại chỉ bán 340 nghìn đồng, mặc dù đều giới thiệu sữa được sản xuất trực tiếp tại Nhật Bản, phân phối chính hãng theo hệ thống tại Việt Nam. Theo quan sát, những loại sữa này đều có bao bì, nhãn mác nước ngoài mà không có nhãn phụ hay hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.

Sữa gắn mác hàng xách tay bán tràn lan với nhiều mức giá khác nhau trên chợ mạng.

     Hay sữa Hikid (Hàn Quốc) loại 600 gam được rất nhiều người đăng bán với số lượng lớn. Tại các địa chỉ bán hàng, sữa Hikid quảng cáo xách tay từ Hàn Quốc, phát triển chiều cao, cân nặng… hàng bán lẻ nhưng giá gốc. Mặc dù có cùng trọng lượng nhưng dòng sữa này được bán với các mức giá khác nhau từ 250 – 600 nghìn đồng.

Không chỉ trên sàn TMĐT mà trên mạng facebook, sữa bột cho bé cũng được đăng bán, quảng cáo với nội dung hàng xách tay chính hãng. Theo quan sát của PV, các loại sữa này thường không có nhãn phụ Tiếng Việt, do đó, rất khó để chứng minh là hàng nhập khẩu, chất lượng có đảm bảo hay không.

     Thực tế, phần lớn người tiêu dùng khi mua sản phẩm thường ít quan tâm đến việc sản phẩm có nhãn phụ, số đông người có tâm lý tin tưởng người quen, theo quảng cáo, ham rẻ, một số khác lại cho rằng hàng đắt là hàng tốt nên sẵn sàng chi tiền mua sản phẩm.

     Đang nuôi con nhỏ hơn 2 tuổi, chị Nguyễn Tuyết (32 tuổi, Hà Nội) cho biết, chị thường mua sữa cho bé trên mạng hoặc các cửa hàng tạp hóa vì theo chị sữa ngoại thường có chất lượng tốt hơn. Về cách sử dụng, bảo quản sữa, chị đều làm theo hướng dẫn của người bán hoặc tham khảo trên mạng.

     Theo chị Tuyết: “Sữa bột bé uống quen, thay hoàn toàn sữa mẹ nên cứ hết tôi lại tìm mua. Tôi thường không để ý đến tem nhãn phụ vì người bán thường giới thiệu là hàng xách tay…”.

Người tiêu dùng vẫn tin vào những lời quảng cáo có cánh, chi tiền mua sữa mà không rõ chất lượng sản phẩm.

     Nhắm vào tâm lý người tiêu dùng vốn ưa chuộng các sản phẩm nhập ngoại, nhất là mặt hàng sữa, thời gian qua cơ quan chức năng đã thu giữ nhiều sữa nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, thậm chí cả các loại sữa đã gần hết hạn sử dụng. Theo các chuyên gia, hiện nay hàng giả, hàng nhái thường được làm từ sản phẩm kém chất lượng, hết hạn sử dụng rồi phù phép thành hàng “xách tay” bán cho người dùng.

     Công thức sản xuất của hầu hết các sản phẩm sữa giả này là đường hóa học (đường nhạt, đường ngọt), bột sữa, chất tạo béo, hương liệu đều có nguồn gốc từ Trung Quốc rồi trộn đều và đóng hộp, dán các nhãn hiệu nổi tiếng thành sữa “xách tay”. Thậm chí, các sản phẩm này còn được trộn thêm hương mùi sữa, chất đạm, chất béo giả được mua trôi nổi ở chợ hóa chất để tăng độ “y như thật”.

     Hơn nữa, những sản phẩm này hoàn toàn không qua quá trình tiệt trùng, máy hút chân không, tia cực tím hay bất cứ quy trình kiểm nghiệm nào. Chính vì thế, chỉ người sản xuất mới biết rõ được đấy là sữa thật hay giả, còn người tiêu dùng, thậm chí ngay cả người bán cũng dễ dàng bị lừa nếu như không hiểu rõ nguồn hàng.

     Bên cạnh đó, sự thiếu kiểm soát của cơ quan chức năng đối với hàng “xách tay” khiến cho mặt hàng sữa “xách tay” càng thêm “nhốn nháo”. Hệ quả là không những người tiêu dùng bị móc túi một lượng tiền lớn mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ, chế độ dinh dưỡng và quá trình phát triển của con trẻ. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng khi mua sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng sữa cho trẻ em cần lưu ý về nhãn mác, xuất xứ hàng hoá và đặc biệt lưu ý thời hạn sử dụng sản phẩm. Người tiêu dùng nên tìm mua ở hệ thống đại lý, cửa hàng sữa được phân phối chính hãng có đầy đủ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, tem nhập khẩu, nhãn mác rõ ràng.

                                                                                                                             Nguồn: vietq.vn

Tin khác