Thông tin cảnh báo
Cảnh báo dùng mỹ phẩm kém chất lượng ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng
Rất nhiều mỹ phẩm không rõ xuất xứ, nguồn gốc bán trên khắp các trang mạng xã hội. Những loại mỹ phẩm này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe của người tiêu dùng.

Đánh vào tâm lý ham rẻ mà nhiều đối tượng đã sản xuất mỹ phẩm kém chất lượng gắn mác các thương hiệu nổi tiếng, quảng cáo do nhập số lượng lớn nên bán rẻ để lừa người tiêu dùng.

Cụ thể, tại nhóm kín “Kho mỹ phẩm giá gốc” có 5,8 nghìn thành viên. Nhóm này được các thành viên đăng bán rất nhiều mỹ phẩm bao gồm các loại uống, bôi...

Tại nhóm bán hàng này, nick name “Lý Chinsu” đăng bán mỹ phẩm, giới thiệu trị nám, tàn nhang, làm đẹp da... chuyên cung cấp cho các spa. Theo quan sát, loại mỹ phẩm này có đủ màu sắc trắng, vàng, hồng, cam... nhưng đều có điểm chung là không có tem nhãn mác, ngày sản xuất, hạn sử dụng... mà chỉ dùng theo hướng dẫn của người bán hàng.

Mỹ phẩm không có tem nhãn mác vẫn được quảng cáo hàng cao cấp để lừa người tiêu dùng

Hay tại nhóm “Chuyên mỹ phẩm Úc” cũng được các thành viên đăng bán rất nhiều sản phẩm có công dụng ổn định nội tiết, điều trụ mụn, nám, bốc hỏa, mất ngủ... Người bán hàng cho biết, toàn bộ sản phẩm đăng bán đều là hàng chính hãng, nhưng do nhập số lượng lớn nên sẽ bán giá bình dân hợp với túi tiền để ai cũng dùng được.

Tương tự là nhóm “Mỹ phẩm nhập khẩu Hàn Quốc” bán lan tràn các sản phẩm như kem chống nắng, kem nền, kem dưỡng, phấn, son... kèm theo hình ảnh khách hàng sử dụng và bán với mức giá giao động từ vài chục tới vài trăm nghìn đồng. Để người dùng tin tưởng, người bán hàng thường cam kết đền bù nếu phát hiện là hàng fake, do đó nhiều đối tượng khách hàng vì xính hàng ngoại mà mua dùng sản phẩm. Chỉ khi gánh hậu quả thì mới vỡ ra nguyên nhân do dùng mỹ phẩm kém chất lương.

Theo thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương, gần đây cơ sở tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân 24 tuổi (Hà Nội), nhập viện trong tình trạng viêm da, xuất hiện vảy tiết toàn bộ vùng mặt. Theo lời bệnh nhân kể, sau khi khám tại một phòng khám tư, bệnh nhân đã mua bộ sản phẩm phục hồi da gồm cả thuốc uống và thuốc bôi. Sau một thời gian sử dụng, gương mặt của cô xuất hiện sự bất thường tại những vùng bôi thuốc và được chẩn đoán bị viêm da. 

Nạn nhân khác là một bệnh nhân nữ ở Nghệ An sau khi bôi dưỡng chất trị nám và sản phẩm thay da sinh học mua qua mạng xã hội thì da mặt có cảm giác như bị châm chích, rát, thậm chí da bị đổi màu thâm sạm. Sau khi đến viện, bệnh nhân được các bác sĩ kết luận bị viêm da tiếp xúc kích ứng, bỏng da mặt do hóa chất. Hay một bệnh nhân nữ ở Phú Thọ nhập viện trong tình trạng bị bội nhiễm vi rút, vi khuẩn nặng, tổn thương toàn bộ vùng da mặt vì sử dụng bột rửa mặt mua qua mạng...

Theo các chuyên gia y tế, sự gia tăng số trường hợp nhập viện do sử dụng mỹ phẩm là do chị em thường sử dụng những loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc theo mách bảo của bạn bè, người thân, theo quảng cáo trên mạng mà không tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Rất ít người tìm đến các đại lý chính thức của các công ty sản xuất mỹ phẩm để được soi da, tư vấn sử dụng mỹ phẩm. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả đã đưa vào sản phẩm những thành phần độc hại, bị cấm để có giá thành rẻ.

Thực tế cho thấy đa số trường hợp dị ứng mỹ phẩm là do sử dụng mỹ phẩm tự chế, mỹ phẩm “xách tay”, mỹ phẩm “hàng hiệu” được mời chào với giá rẻ hơn hàng chính hãng nhiều lần.

Bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, việc sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng không chỉ khiến da nổi nhiều mụn mà những bệnh nhân bị biến chứng nặng có thể phải đối mặt với các triệu chứng phù nề, sẹo sâu, da mặt bị hủy hoại, thậm chí có trường hợp tử vong do nhiễm độc chì. Để điều trị cho bệnh nhân từng dùng mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là những loại có chứa corticoid, bác sĩ phải căn cứ vào từng mức độ tổn thương, thể bệnh để có phác đồ điều trị riêng. Thời gian điều trị có thể kéo dài, gây tốn kém về tiền bạc.

Trao đổi với báo chí, bác sĩ Đỗ Thiện Trung, Phó Trưởng khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương, trước khi sử dụng mỹ phẩm, cần thử trước các phản ứng kích ứng, dị ứng bằng cách thoa một lượng nhỏ trên vùng da của mặt trong cổ tay, chờ đợi một thời gian (vài giờ) xem có biểu hiện gì hay không rồi mới quyết định tiếp tục sử dụng. Sau khi dùng mỹ phẩm, nếu thấy có dấu hiệu nóng, đỏ, ngứa, nổi mụn thì phải ngừng sử dụng ngay lập tức, rửa sạch vùng da tiếp xúc mỹ phẩm nhằm hạn chế tác động. Khi đã có dấu hiệu dị ứng, tuyệt đối không sử dụng các loại mỹ phẩm khác, không sờ nặn, hạn chế tiếp xúc ánh nắng. Trường hợp diễn tiến nặng tăng dần thì cần đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để có hướng điều trị tối ưu.

                                                                                                                                     Nguồn: vietq.vn

Tin khác