Tin tức sự kiện
Một số sản phẩm điện tử phải kiểm định hóa chất độc hại trước khi lưu hành
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến vào dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về giới hạn hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử.

     Các sản phẩm điện, điện tử phải kiểm định hóa chất độc hại trước khi bán ra thị trường

     Năm 2011, Bộ Công Thương đã có quy định về giới hạn hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử lưu thông trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, trên thế giới đã có thêm nhiều chất độc hại vào danh sách nói trên. Do đó, việc cập nhật, sửa đổi quy định về quản lý hàm lượng hóa chất độc hại trong các sản phẩm điện, điện tử phù hợp với tình hình thực tế, thống nhất công tác quản lý hàm lượng hóa chất độc hại trong các sản phẩm điện, điện tử trên phạm vi cả nước.

     Theo quy định hiện hành, các sản phẩm điện, điện tử lưu thông trên thị trường Việt Nam phải đảm bảo giới hạn hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại gồm các nhóm sản phẩm như thiết bị gia dụng loại lớn; thiết bị gia dụng loại nhỏ; thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông; thiết bị tiêu dùng; thiết bị chiếu sáng; công cụ điện, điện tử... Để đảm bảo các hóa chất độc hại không gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người rất cần thiết phải có các yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm này.

Các sản phẩm điện, điện tử phải kiểm định hóa chất độc hại trước khi lưu hành. Ảnh minh họa

     "Hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử cần phải kiểm soát chặt chẽ về kỹ thuật an toàn trong sản xuất, kinh doanh; được quản lý chất lượng theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, theo tiêu chuẩn, chuẩn quy kỹ thuật quốc gia do cơ quan có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm này", dự thảo nêu.

     Theo Bộ Công Thương, việc chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử dẫn tới một số khó khăn với các nhà quản lý khi thiếu chuẩn chung để quản lý thống nhất chất lượng sản phẩm; tốn kém thời gian, công sức trong hoạt động quản lý chất lượng.

     Các nhà sản xuất cũng thiếu cơ sở để sản xuất các sản phẩm đảm bảo chất lượng, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà sản xuất và quyền lợi của người tiêu dùng; chi phí lớn khi thử nghiệm thường xuyên do chưa có căn cứ để được chứng nhận phù hợp quy chuẩn. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng thiếu cơ sở để lựa chọn sản phẩm đảm bảo chất lượng do mỗi công ty có mức quy định khác nhau, không thống nhất.

     Do đó, việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để giới hạn hàm lượng cho phép của một số hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử là cần thiết.

     Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đánh giá, khi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được ban hành đảm bảo khắc phục được những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm điện, điện tử, nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử.

     Bộ Quy chuẩn này cũng sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, kiểm soát chất lượng sản phẩm điện, điện tử kém chất lượng nhập khẩu vào Việt Nam, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh...

     Theo dự thảo, các sản phẩm điện, điện tử trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường Việt Nam phải được công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn được ban hành. Hiệu lực giấy chứng nhận hợp quy có giá trị không quá 3 năm.

     Danh mục sản phẩm bắt buộc phải chứng nhận hợp quy thiết bị điện – điện tử theo QCVN 4:2009/BKHCN

     Chứng nhận hợp quy thiết bị điện – điện tử là bằng chứng để các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các linh kiện điện, điện tử và các sản phẩm điện, điện tử chứng minh sản phẩm của mình đã được sản xuất theo đúng quy trình chất lượng, đảm bảo an toàn khi sử dụng và phù hợp với quy chuẩn quốc gia QCVN 4:2009/BKHCN.

     Các sản phẩm điện, điện tử khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Phải được chứng nhận hợp quy theo quy định của QCVN 4:2009/BKHCN, và chịu sự kiểm tra trên thị trường của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

     Cá nhân, tổ chức khi sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ thiết bị điện – điện tử nằm trong danh mục dưới đây bắt buộc phải thực hiện chứng nhận hợp quy trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường.

     Theo đó, sau khi sản phẩm điện, điện tử được chứng nhận hợp quy phải đăng ký bản công bố hợp quy tại Chi Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo quy định tại Thông tư 28/2012/TTBKHCN.

                                                                                                                               Nguồn: vietq.vn

Tin khác