Thông tin cảnh báo
Thảo Mộc Xương Khớp Thảo Mộc Nam mập mờ nguồn gốc, kinh doanh trái phép
Giám đốc Công ty TNHH MTV Thảo Mộc Organic khẳng định không kinh doanh sản phẩm nào gắn thương hiệu “Thảo Mộc Nam” nhưng PV lại dễ dàng đặt hàng sản phẩm Thảo Mộc Xương Khớp Thảo Mộc Nam được giới thiệu do công ty này phân phối độc quyền cho thấy dấu hiệu mập mờ về nguồn gốc sản phẩm.

     Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giới thiệu có nguồn gốc từ thuốc nam, thuốc đông y gia truyền. Các sản phẩm này được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý từ dư luận. Từ những quảng cáo có cánh như “rót mật vào tai”, kèm sự tư vấn không trung thực của người bán hàng khiến nhiều người tiêu dùng không may “dính bẫy”, bỏ ra số tiền lớn để mua sản phẩm về sử dụng mà không rõ nguồn gốc, chất lượng… để rồi, “tiền mất, tật mang”, thậm chí ảnh hưởng sức khỏe.

     Do đó, bác sỹ Đặng Thị Mai Anh, công tác tại một bệnh viện y học cổ truyền cho biết: “Chưa có căn cứ nào cho thấy các bài thuốc “gia truyền” trên internet có hiệu quả và đảm bảo chất lượng. Việc người bệnh tự ý sử dụng các loại thuốc này có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như suy gan, suy thận hoặc biến chứng nguy hiểm khác. Bởi vậy, người dân khi muốn chữa bệnh theo phương pháp y dược cổ truyền cần đến cơ sở y tế chính thống để được chẩn đoán, tư vấn trước khi kê đơn thuốc nhằm đảm bảo được điều trị đúng hướng”.

     Thời gian qua, Tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được thông tin phản ánh từ người tiêu dùng về sản phẩm Thảo Mộc Xương Khớp Thảo Mộc Nam đang kinh doanh rầm rộ trên mạng xã hội nhập nhèm nguồn gốc, lừa dối người bệnh về công dụng sản phẩm?

     Theo thông tin phản ánh, PV đã trực tiếp xác minh thì phát hiện sản phẩm này có nhiều dấu hiệu “lạ”. Cụ thể, tại trang web https://thaomocnam.vn/, đăng bán sản phẩm Thảo Mộc Xương Khớp Thảo Mộc Nam giới thiệu là thuốc dạng viên uống điều trị xương khớp, được bào chế từ 100% thảo dược quý hiếm trong tự nhiên nên không có tác dụng phụ, hoàn toàn an toàn với người sử dụng.

 Thảo Mộc Xương Khớp Thảo Mộc Nam có dấu hiệu mập mờ nguồn gốc, xuất xứ.

     Theo hướng dẫn sử dụng, ngày dùng 1 gói sáng 5 viên, tối 5 viên, trẻ em dưới 15 tuổi ngày dùng 2 viên... Khi người dùng cảm thấy đã khỏi hết triệu chứng thì nên giảm liều lượng xuống 2 ngày dùng 1 gói (10 viên). Sau đó, tiếp tục giảm xuống 4 ngày dùng 1 gói, cứ giảm dần như vậy sẽ khỏi hẳn bệnh và không tái phát lại.

     Tiếp theo, sản phẩm Thảo Mộc Xương Khớp Thảo Mộc Nam cũng được nhiều đại lý, cá nhân, hội nhóm đăng bán trên mạng xã hội Facebook giới thiệu sai công dụng. Điển hình là nhóm “Xương Khớp - Thảo Mộc Nam” với hơn 1,4 nghìn người theo dõi, được fanpage Thảo Mộc Nam Organic Việt Nam liên tục đăng bán sản phẩm kèm công dụng “thần thánh” như: Chuyên trị thoái hóa - thoát vị đốt sống cổ, đau dây thần kinh toạ, thoái hóa khớp gối, khủy tay, ngón tay, viêm khớp, tràn dịch khớp, gai cột sống, vôi hóa cột sống...

     Trước những quảng cáo trên, PV đã đặt mua sản phẩm Thảo Mộc Xương Khớp Thảo Mộc Nam để kiểm chứng thông tin. Vài ngày sau, phóng viên nhận được bộ đôi sản phẩm điều trị xương khớp gồm: Thảo Mộc Xương Khớp Thảo Mộc Nam, Viên Khớp Thảo Mộc Plus.

Bộ sản phẩm điều trị xương khớp PV đặt mua trên mạng xã hội.

      Theo quan sát của PV, sản phẩm Viên Khớp Thảo Mộc Plus thể hiện thông tin đơn vị chịu trách nhiệm sản phẩm là Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam (Địa chỉ: khu liền kề 4, 5, 6 Newhose Xa La, P.Phúc La, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội); sản phẩm có hạn dùng 19/12/2024.

     Đối với sản phẩm Thảo Mộc Xương Khớp Thảo Mộc Nam có đầy đủ thông tin, tem niêm phong chống hàng giả, ngày sản xuất 02/06/2022 kèm rất nhiều công dụng như: Trị nhức mỏi tay chân, đau lưng, tê bại, thấp khớp, gai cột sống, thoát vị đĩa đệm... Cả 2 sản phẩm trên đều thể hiện Công ty TNHH MTV Thảo Mộc Nam Organic phân phối độc quyền.

Bao bì sản phẩm Thảo Mộc Xương Khớp Thảo Mộc Nam ghi sai công dụng.

     Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thu, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thảo Mộc Organic khẳng định: “Hiện, công ty không bán sản phẩm nào khác, cũng như không phân phối sản phẩm xương khớp. Tất cả sản phẩm gắn mác “Thảo Mộc Nam” đang phân phối trên thị trường đều là hàng giả”.

     Qua khẳng định của bà Nguyễn Thị Thu với PV thì những sản phẩm Thảo Mộc Xương Khớp Thảo Mộc Nam PV đặt mua và những thông tin in trên bao bì đều là giả mạo, gian dối về nguồn gốc?

     Vậy, nếu người tiêu dùng không may mua phải những sản phẩm trên và gặp vấn đề về sức khoẻ, khiếu nại chất lượng, không biết cơ quan, tổ chức nào chịu trách nhiệm. Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV, trên trang web bán sản phẩm Thảo Mộc Xương Khớp Thảo Mộc Nam còn đăng tải hình ảnh Giấy công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo cho sản phẩm TPBVSK Thảo mộc xương khớp. Vậy, những hình ảnh này là thật hay giả? Cơ quan chức năng có cấp phép nội dung quảng cáo nêu trên hay không là nội dung khiến dư luận quan tâm.

     Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, VietQ đề nghị cơ quan chức năng làm rõ, cảnh báo tới người tiêu dùng. VietQ sẽ tiếp tục thông tin về những bất thường, dấu hiệu “thật giả lẫn lộn” của tổ chức, cá nhân đang kinh doanh sản phẩm Thảo Mộc Xương Khớp Thảo Mộc Nam nêu trên.

Khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này;

Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này”.

Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự 2015.

“Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

                                                                                                                        Nguồn: vietq.vn

Tin khác