Tin tức sự kiện
Những vấn đề đặt ra trong xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang EU sau 2 năm thực hiện EVFTA
Để tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA và hướng tới phát triển xuất khẩu nông nghiệp bền vững sang thị trường EU, các chủ thể liên quan cần có chiến lược và kế hoạch hiệu quả trong thời gian tới.

Tóm tắt: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực hơn 2 năm kể từ ngày 01/8/2020, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sang các nước Liên minh châu Âu (EU) đã có khởi sắc rõ rệt. EU hiện là thị trường lớn thứ ba của xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta (sau Trung Quốc và Mỹ) với kim ngạch chiếm 11,75% thị phần. Với 27 quốc gia thành viên, hơn 511 triệu dân, GDP đầu người trên 35.000 USD, EU được đánh giá là thị trường lớn có mức thu nhập cao. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, quá trình thực thi EVFTA, một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang thị trường EU gặp phải một số vấn đề như việc tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, vi phạm các quy định về khai thác thủy sản... Chính vì vậy đã làm giảm vị thế một số mặt hàng nông nghiệp trên thị trường. Để giải quyết các vấn đề trên, tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA và hướng tới phát triển xuất khẩu nông nghiệp bền vững sang thị trường EU, các chủ thể liên quan cần có chiến lược và kế hoạch hiệu quả trong thời gian tới.

1. Giới thiệu

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Với 27 quốc gia thành viên, gần 450 triệu dân, GDP đầu người trên 35.000 USD, EU được đánh giá là thị trường lớn có mức thu nhập cao, với nền kinh tế ổn định và đang phát triển mạnh mẽ. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận một trong những thị trường hàng đầu thế giới.

Năm 2021 thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 63,6 tỉ USD, tăng trưởng 14,8% so với năm 2020. Cụ thể, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) đạt 45,8 tỉ USD, tăng 14,2%; còn EU xuất khẩu sang Việt Nam đạt 17,9 tỉ USD, tăng 16,5% so với năm 2020 (Bộ Công thương, 2022). EVFTA đã giúp một số mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam vào thị trường EU được cắt giảm thuế đáng kể theo lộ trình như cà phê, gạo, một số loại trái cây... Tuy nhiên sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU còn gặp nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm, thủ tục và hồ sơ xuất khẩu... do yêu cầu cao từ phía khách hàng EU đối với hàng nhập khẩu. Cho dù EVFTA đem đến nhiều cơ hội nhưng cũng đòi hỏi doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa mới có thể xuất khẩu thành công vào thị trường EU.

2. Nội dung

2.1. Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp

Xuất khẩu là một khái niệm xuất phát từ lĩnh vực trao đổi thương mại hàng hóa xuyên quốc gia. Theo Belay Seyoum (2009), “xuất khẩu” có thể hiểu là việc “trao đổi hàng hóa với quốc gia khác có nhu cầu sử dụng nhằm mục đích kinh doanh sinh lời”. Theo WTO (2011), “xuất khẩu” là hoạt động “bán hàng hóa cho một quốc gia khác”, “hàng xuất khẩu được định giá theo giá trị giao dịch, bao gồm chi phí vận chuyển và bảo hiểm để đưa hàng hóa đến quốc gia khác”. Theo Luật Thương mại Việt Nam (2005), “xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định pháp luật”.

Nông lâm thủy hải sản là một trong những lĩnh vực xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy hải sản bệ đỡ cho nền kinh tế và “tấm nệm” cho công tác an sinh xã hội năm 2021 (Tổng cục Thống kê, 2022). Đối với Việt Nam, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp là nguồn thu lớn, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy sản xuất phát triển theo định hướng sử dụng có hiệu quả nguồn lực và lợi thế quốc gia, tác động tích cực trong việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và tăng cường thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại (Trần Thị Thu Huyền, 2020).

Trong bối cảnh nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế bị gián đoạn, thiệt hại nặng nề, sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia, đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, khẳng định rõ là một trong những trụ đỡ kinh tế vững chắc trong mọi hoàn cảnh.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất phần lớn cây trồng đạt khá so với năm trước, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp năm 2021 tăng cao góp phần duy trì nhịp tăng trưởng của cả khu vực. Ngành lâm nghiệp tăng 3,88%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 1,73%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm (Tổng cục Thống kê, 2021).

2.2. Thực trạng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sang thị trường EU sau 2 năm thực thi EVFTA

Theo báo cáo năm 2021 và quý I/2022, xuất khẩu hàng hóa của ngành nông nghiệp lập kỷ lục 48,6 tỷ USD. Theo đó, năm 2021 kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản là 27,997 tỷ USD, tăng 11,95% so với năm 2020 (Tổng cục Thống kê, 2022). Quý I/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 22,6 tỷ USD, tăng 6,3% so với quý I/2021; trong đó xuất khẩu đạt khoảng 12,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước khoảng 9,8 tỷ USD, giảm 3,5% (Bộ NN&PTTT, 2022).

Giai đoạn 2020-2022, thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam sang thị trường EU vẫn tăng trưởng tốt. Tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU trong năm 2021 của Việt Nam (cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè) sang thị trường EU trong 11 tháng năm 2021 đạt khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2020 (Bộ Công thương, 2022). Quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU ước đạt 1,67 tỷ USD, chiếm 13,2% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước (Hình 1.1.).

- Mặt hàng gạo: Trước khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị EU bị áp thuế 45%. Thậm chí một số nước trong khối áp mức thuế nhập khẩu với gạo Việt Nam lên tới 100% hoặc cao hơn. Tuy nhiên, kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU đã dành cho Việt Nam ưu đãi thuế suất 0% với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm sau 5 năm.

Năm 2021, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 60.000 tấn, trị giá 41 triệu USD, tăng gần 1% về lượng, nhưng tăng hơn 20% về trị giá so với năm 2020. Trong đó, một số giống gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25 lần đầu tiên được xuất khẩu vào các thị trường này.

2 tháng đầu năm 2022 cũng ghi nhận con số xuất khẩu hơn 15.500 tấn gạo sang thị trường EU, thu về 11,7 triệu USD, tăng gần 4 lần về lượng và tăng 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong khối EU, Italy dẫn đầu về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam khi tăng 26 lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, còn một số thị trường chủ lực khác như Đức, Pháp, Hà Lan... (Bộ Công thương, 2022).

- Cà phê: Xuất khẩu sang EU đã có 93% dòng thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Năm 2021, xuất khẩu cà phê sang EU đạt 546,7 nghìn tấn với trị giá 1,0 tỷ USD, giảm 9,4% về khối lượng nhưng tăng 4,4% về giá trị so với cùng kỳ 2020. EU là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 40% giá trị xuất khẩu (Hiệp hội cà phê - cao su Việt Nam, 2022).

Quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 581,7 nghìn tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, tăng 28,3% về lượng và tăng 60,2% về trị giá so với quý I/2021. Trong đó, xuất khẩu cà phê sang khu vực châu Âu tăng mạnh nhất, tăng 92,6%. Tỷ trọng xuất khẩu cà phê sang châu Âu chiếm 54,39% tổng trị giá xuất khẩu trong quý I/2022, cao hơn nhiều so với tỷ trọng 40,71% trong quý I/2021 (Báo Nông nghiệp Việt Nam, 2022).

- Hồ tiêu: Đối với Hiệp định EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu (mã HS 0904) ngay khi Hiệp định có hiệu lực. EVFTA có hiệu lực sẽ là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước EU (đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5-9%). Ưu đãi từ Hiệp định đang được tận dụng hiệu quả khi kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu sang EU trong 11 tháng 2021 đạt khoảng 40 nghìn tấn, tương đương 165 triệu USD, tăng 7,4% về lượng và tăng mạnh 63,9% và trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020.

Các chủng loại hạt tiêu xuất khẩu chủ yếu sang EU là: mã HS.09041120 - Hạt tiêu đen chưa xay hoặc chưa nghiền (đạt 92 triệu USD, tăng mạnh 62,5% so với cùng kỳ 2020 và chiếm 55,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu sang EU) và mã HS.09041110 - Hạt tiêu trắng chưa xay hoặc chưa nghiền (đạt 40 triệu USD, tăng 58,8%, chiếm 24,1%). EU chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 11 tháng năm 2021 (Bộ Công thương, 2022).

- Hạt điều: Kim ngạch xuất khẩu hạt điều năm 2021 đạt kỷ lục 3,64 tỉ USD. Trong đó, Đức và Hà Lan hiện là những đầu mối thương mại quan trọng vì 2 thị trường này vừa nhập khẩu để tiêu dùng nội địa, vừa tái xuất sang các thị trường khác trong khối. Đặc biệt, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang Đức năm 2021 đạt trên 19.000 tấn, trị giá vượt 122 triệu USD, tăng 9,5% về lượng và tăng 6,2% về trị giá. Bộ Công Thương dự báo nhu cầu tiêu thụ hạt điều của Đức sẽ tăng trưởng bình quân 4,1% trong giai đoạn 2020-2025 và Việt Nam vẫn là nguồn cung hạt điều số 1 tại thị trường Đức nhờ nguồn cung ổn định và chất lượng đảm bảo (Bộ Công thương, 2022).

Xuất khẩu hạt điều sang các thị trường khác như Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan, Phần Lan... cũng đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng, trong đó, riêng thị trường Phần Lan chỉ 11 tháng năm 2021 đã đạt trên 63.000 tấn, trị giá hơn 345 triệu USD, tăng 12,3% về lượng (Bộ Công thương, 2022).

- Chè: Đối với Hiệp định EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm chè ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tận dụng ưu đãi từ EVFTA, trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu chè sang EU đạt khoảng 3 triệu USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2020 dù giảm 16,4% về lượng xuất khẩu, cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang chuyển trọng tâm sang xuất khẩu các sản phẩm chè chất lượng cao. Đây là định hướng phù hợp với thị trường EU với mức thu nhập khá cao, người tiêu dùng tại đây cần những sản phẩm thương hiệu gắn với chất lượng sản phẩm hơn là giá cả cạnh tranh. Việt Nam là một trong những các quốc gia hàng đầu có sản phẩm chè xanh và chè đen xuất khẩu vào thị trường châu Âu, tuy nhiên thị phần chè Việt Nam tại thị trường này còn rất hạn chế, sản lượng xuất khẩu chưa cao. Thị trường EU cũng mới chỉ chiếm 1,7% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 11 tháng năm 2021 (Bộ Công thương, 2022).

Trong số thị trường thành viên EU, chè Việt Nam được xuất chủ yếu sang các nước: Ba Lan (đạt 1 triệu USD), Đức (đạt 601 nghìn USD) và Bỉ (đạt 410 nghìn USD). EU là thị trường tiềm năng và quan trọng của ngành chè Việt Nam với nhiều dư địa tăng trưởng. Tuy nhiên đây cũng là thị trường khó tính với nhiều tiêu chuẩn khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sản phẩm chất lượng cao để vượt qua các rào cản kỹ thuật của thị trường (Bộ Công thương, 2022).

- Cao su: Với EVFTA, cao su tổng hợp và các chất dẫn xuất sẽ không có lợi thế mới vì thuế suất đang là 0%. Tuy nhiên, các loại ống ghép nối bằng cao su và lốp cao su được miễn thuế ngay lập tức từ mức 3%-4,5% trước đây. Băng tải, băng truyền, hoặc đai tải bằng cao su sẽ được giảm theo kỳ hạn 5 năm từ 6,5%. Đây là động lực thúc đẩy xuất khẩu cao su và sản phẩm từ cao su. Trong 11 tháng 2021, xuất khẩu cao su sang EU đạt khoảng 100 nghìn tấn, tương đương 175 triệu USD, tăng 33,7% về lượng và tăng mạnh 72,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Các chủng loại cao su xuất khẩu chủ yếu sang EU là: mã HS.40012240 - cao su tự nhiên đã định chuẩn về kỹ thuật (TSNR) CV (đạt 71 triệu USD, tăng mạnh 88,8% so với cùng kỳ 2020 và chiếm 40,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su sang EU); mã HS. 40012290 – TSNR loại khác (đạt 43 triệu USD, tăng mạnh 85,8%, chiếm 24,6%), mã HS. 40011011 - Mủ cao su cô đặc bằng phương pháp ly tâm (SEN) (đạt 21 triệu USD, tăng mạnh 87,4%, chiếm 12,1%),...

Trong số các thị trường thành viên EU, cao su Việt Nam được xuất chủ yếu sang các nước: Đức (đạt 62 triệu USD), Italy (đạt 25 triệu USD), Tây Ban Nha (đạt 22 triệu USD) và Hà Lan (đạt 17 triệu USD). Tại thị trường EU, ngành công nghiệp - sản xuất - tiêu dùng đang phát triển mạnh mẽ (sản xuất máy bay, ô tô, xe máy, thiết bị, máy móc cho ngành chế tạo, y tế, hàng tiêu dùng...), nhu cầu tiêu thụ của EU đối với cao su và các sản phẩm từ cao su rất lớn, đặc biệt là các chủng loại cao su cao cấp (SVR CV) và chủng loại SVR 10, SVR 20, dự báo trong những năm tới, xuất khẩu mặt hàng này tiếp tục tăng trưởng tốt (Bộ Công thương, 2022).

- Rau quả: EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA, 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả (trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa,...) được bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Do đó, mức cam kết này của EU được đánh giá là sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam (đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có thế mạnh về rau quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia) (Bộ Công thương, 2022).

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi đã đạt được kết quả tích cực. Trong 11 tháng 2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang EU đạt 173 triệu USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2020. Các chủng loại rau quả xuất khẩu chủ yếu sang EU là: mã HS. 20098999 – Các loại nước ép trái cây (kể cả hèm nho) và nước rau ép, chưa lên men và chưa pha thêm rượu, đã hoặc chưa pha thêm đường hoặc chất tạo ngọt khác - Loại khác (đạt 28 triệu USD, giảm 23,5% so với cùng kỳ 2020 và chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả sang EU); mã HS. 8109094 - Quả lựu, quả mãng cầu hoặc quả na, quả roi, quả thanh trà, quả chanh leo, quả sấu đỏ, quả táo ta, quả dâu da đất (đạt 22 triệu USD, tăng 19,8%, chiếm 13%); mã HS. 08119000 - Quả và quả hạch (nuts), đã hoặc chưa hấp chín hoặc luộc chín trong nước, đông lạnh, đã hoặc chưa thêm đường hoặc chất tạo ngọt khác - Loại khác (đạt 18 triệu USD, tăng 23,8%, chiếm 10,4%)... (Bộ Công thương, 2022).

Trong 11 tháng năm 2021, EU là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ tư của Việt Nam, chiếm 5,3% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Trong số các thị trường thành viên EU, rau quả của Việt Nam được xuất chủ yếu sang các nước: Hà Lan (đạt 71 triệu USD), Pháp (đạt 35 triệu USD) và Đức (đạt 20 triệu USD). Lượng rau, quả tiêu thụ có xu hướng ngày một tăng tại EU do thói quen ăn uống để bảo vệ, tăng cường sức khỏe.

Tuy nhiên, thị trường EU đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm... để từ đó gia tăng chất lượng hàng hóa, chinh phục thị trường “khó tính” này (Cục Xuất nhập khẩu, 2022).

- Thủy sản: Năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU đạt trên 1 tỷ USD (tăng 12%); trong đó, xuất khẩu sang hầu hết các nước thành viên EU đều tăng. 5 thị trường lớn nhất gồm Hà Lan, Đức, Bỉ, Italy và Pháp (tổng cộng chiếm 72%). Xuất khẩu tất cả sản phẩm chính sang EU đều tăng trưởng dương (trừ cá tra). Đặc biệt, xuất khẩu nghêu tăng trưởng mạnh nhất (tăng 42%) và trở thành loài thủy sản đứng thứ 4 về giá trị xuất khẩu sang EU (Cục Xuất nhập khẩu, 2022).

Cụ thể, xuất khẩu tôm tăng gần 19% đạt 613 triệu USD, chiếm gần 57% xuất khẩu thủy sản sang EU. Top 3 thị trường trong khối gồm Đức, Bỉ và Hà Lan, đều tăng nhập khẩu tôm Việt Nam: Xuất khẩu sang Đức tăng 25%, sang Bỉ tăng 19% và sang Hà Lan tăng 10%. Không chỉ xuất khẩu tôm chân trắng mà cả tôm sú sang những thị trường này đều phục hồi so với năm trước. Xuất khẩu tôm chân trắng sang Đức tăng mạnh 28%, xuất khẩu tôm sú sang Hà Lan tăng 54% (Cục Xuất nhập khẩu, 2022).

Về cá ngừ, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hơn 13%, đạt trên 144 triệu USD, tăng 6,4%, trong đó Mỹ nhập khẩu nhiều nhất các mặt hàng cá ngừ loin/phile đông lạnh (chiếm 44%). Xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến khác tăng mạnh 43%, trong khi xuất khẩu cá ngừ tươi giảm 18%. Trong 3 thị trường lớn nhất là Italy, Đức và Tây Ban Nha, chỉ có Italy tăng nhập khẩu cá ngừ, 2 thị trường còn lại đều giảm nhập khẩu cá ngừ Việt Nam (Tổng cục Thủy sản, 2022).

Xuất khẩu cá tra sang EU tiếp tục đà sụt giảm từ những năm trước, với mức tăng trưởng âm gần 17% và chỉ còn chiếm chưa tới 10% tổng xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Xuất khẩu đến top 4 thị trường Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha và Đức đều giảm (lần lượt là Hà Lan giảm 20%, Bỉ giảm 23%, Tây Ban Nha giảm 9% và Đức giảm 43%). Cước vận tải biển sang EU tăng mạnh là một trở ngại lớn đối với doanh nghiệp cá tra Việt Nam (Tổng cục Thủy sản, 2022).

Năm 2021, xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang thị trường EU tăng mạnh 37% đạt 87 triệu USD, chủ yếu do xuất khẩu sản phẩm nghêu tăng 42% với 78 triệu USD. Nghêu trở thành loài thủy sản có giá trị xuất khẩu lớn thứ 4 sang thị trường EU. Trong đó, xuất khẩu nghêu sang 3 thị trường lớn nhất là Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha đều tăng từ 38-44% (Tổng cục Thuỷ sản, 2022).

Như vậy có thể thấy EU là thị trường tiềm năng Việt Nam bước đầu đã tận dụng được lợi thế từ hiệp định thương mại EVFTA. Bên cạnh những thành công bước đầu như trên, hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác triệt để, trị giá xuất khẩu theo các năm còn thấp điều này cho thấy doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều vấn đề trong việc đáp ứng yêu cầu của thị trường.

2.3. Một số rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang thị trường EU sau khi EVFTA được thực thi

Từ khi EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều cố gắng để cải thiện nhưng nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU vẫn còn chủ yếu dưới dạng thô, cạnh tranh về giá ở phân khúc thấp; các nhóm hàng sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu sang EU mới chỉ tập trung vào nhóm cà phê, trái cây và hạt tiêu, thuỷ sản. Những hạn chế này đến từ nội tại ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam tạo nên thách thức không nhỏ đối với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vào EU và gia tăng thị phần mà Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ nhất, EU là một thị trường có đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật. Vì vậy, các chính sách quản lý sản phẩm nông nghiệp của EU nghiêm ngặt, đặc biệt các rào cản kỹ thuật của EU với sản phẩm nông nghiệp thực phẩm có xu hướng ngày càng khắt khe hơn... (Viện Công nghệ thực phẩm, 2021).

Thực tế, Hiệp định EVFTA không có nhiều cam kết mới về các biện pháp phi thuế như các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) hay các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT). Trong khi đó, những biện pháp này mới được coi là rào cản khó khăn nhất đối với sản phẩm nông nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường. Hầu hết cam kết về SPS và TBT trong EVFTA đều chỉ khẳng định lại các nghĩa vụ theo Hiệp định SPS và TBT của WTO. Do đó, EVFTA không giúp hạn chế các rào cản phi thuế của EU với hàng xuất khẩu Việt Nam.

Tại Việt Nam, phương thức nuôi trồng và thực tiễn sản xuất vẫn chưa phù hợp để đáp ứng được các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn, tuân thủ các quy trình theo chuẩn quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp phải điều chỉnh hoạt động sản xuất hoặc phương pháp sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến..., dẫn tới chi phí tuân thủ bị gia tăng, tạo áp lực về tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Do vậy, để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập sâu vào thị trường EU, vấn đề đặt ra là một mặt Việt Nam cần phát triển sản xuất hàng sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chú trọng gắn liền với tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn khắt khe của EU; mặt khác, ở góc độ quốc gia cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại, đàm phán để tránh việc bị EU áp các rào cản kỹ thuật không hợp lý. Bên cạnh đó, người nông dân và doanh nghiệp phải đưa công nghệ truy xuất nguồn gốc vào từng khâu trong quá trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu.

Thứ hai, để tiếp tục chinh phục thị trường EU và được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA, sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa. So với các FTA mà Việt Nam đang thực thi, quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa đối với sản phẩm nông nghiệp trong Hiệp định EVFTA được đánh giá là chặt chẽ hơn khi tiêu chí xuất xứ hàng hóa áp dụng chủ yếu là xuất xứ thuần túy. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA cũng giới hạn tỷ lệ sử dụng các nguyên liệu từ bơ, trứng, sữa và đường từ nước thứ ba ngoài lãnh thổ Hiệp định trong việc sản xuất hàng nông nghiệp.

Thứ ba, khó khăn từ phía doanh nghiệp xuất khẩu trong việc tiếp cận thị trường sản phẩm nông nghiệp EU. Nguyên nhân của thực trạng này là do năng lực nội tại về vốn, con người,... của các doanh nghiệp xuất khẩu còn hạn chế. Các nhà sản xuất, xuất khẩu cũng thường thiếu thông tin và hướng dẫn về những quy định của EU trong khi các quy định này thường xuyên được thay đổi. Từ đó, thời gian các doanh nghiệp có được để đáp ứng yêu cầu về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch đã bị giảm đáng kể, dẫn đến tăng chi phí hoặc có thể hạn chế khả năng xuất khẩu. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại sang thị trường EU cũng chưa triển khai được tại tất cả các nước thành viên và phần nào chưa đi sâu vào đối tượng thụ hưởng. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải nâng cao năng lực của các doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại đối với sản phẩm nông nghiệp tại thị trường này.

Thứ tư, vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm đúng mức, trong khi đó, đây là nội dung được EU đặt lên hàng đầu. Tương tự như vậy, một số doanh nghiệp mới chỉ chú trọng tới số lượng xuất khẩu, chưa thực sự quan tâm đến xây dựng thương hiệu. Vì vậy, việc quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu đã và đang là vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay đối với các mặt hàng sản phẩm nông nghiệp của nước ta.

Ngoài ra, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam còn gặp khó khăn do chi phí logictics trong xuất khẩu nói chung, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp nói riêng còn cao và chịu cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Brazil,...

3. Những vấn đề đặt ra trong xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang thị trường EU sau 2 năm thực hiện EVFTA

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, năng lực sản xuất kinh doanh, ngành nông nghiệp Việt Nam bước đầu đã tận dụng rất nhiều cơ hội từ Hiệp định EVFTA, tạo nền tảng quan trọng cho phát triển bền vững xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp nói riêng và phát triển bền vững đất nước nói chung trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh những cơ hội, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình đảm bảo tăng trưởng bền vững xuất khẩu vào thị trường EU. Cụ thể là:

Thứ nhất, để khai thác hết tiềm năng cũng như tận dụng được các ưu đãi của EVFTA, một thách thức đối với các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đó là đáp ứng các yêu cầu an toàn nghiêm ngặt của EU về an toàn thực phẩm, biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật. Cho đến nay EU vẫn là thị trường có yêu cầu về hàng rào kĩ thuật cao, đặc biệt là kiểm dịch động, thực vật; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam hiện nay đang dừng ở VietGAP, cần phải nâng lên GlobalGAP để tăng giá trị hàng hóa trên thị trường.

Theo hướng dẫn 79/117/EEX của EC, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phép tồn dư trên sản phẩm nhập khẩu vào EU rất thấp, gần như bằng 0. Nếu EU phát hiện có bất cứ chất cấm nào tồn dư trong mẫu sản phẩm nhập khẩu, lô hàng đó sẽ bị từ chối và tiêu hủy, nhà sản xuất sẽ phải chịu toàn bộ chiphí tiêu hủy, thậm chí có thể bị truy tố và bị áp lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm đó vào thời gian chờ đợi cơ quan có thẩm quyển của EU tiến hành điều tra và xử lý.

Kể từ ngày 31/3/2020, EU đã cấm sử dụng Ethoxyquin (chất chống oxi hóa) để bảo quản sản phẩm có nguồn gốc sinh vật gây bệnh nhất định, EU không cho phép nhập khẩu nhằm tránh việc nhiễm và lây lan sâu bệnh hại cho thực vật và sản phẩm thực vật tại EU. Như vậy một số mặt hàng sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm thủy sản của Việt Nam sẽ đứng trước đòi hỏi rất cao từ phía khách hàng EU.

Vấn đề SPS đảm bảo an toàn thực phẩm cho thị trường EU hiện nay sẽ gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vì đa số những nhà sản xuất còn nhỏ lẻ, tự phát, một số nơi nông dân chưa được hướng dẫn về sản xuất sạch, an toàn, tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu cho sản phẩm nông nghiệp.

Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam cần chuyên nghiệp hơn trong việc cung cấp thông tin truy xuất hàng hóa. Đây là một trong những thách thức với hàng xuất khẩu Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu cho một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc và ASEAN như hạt điều. Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ MFN và không được mức thuế suất 0% như EVFTA.

Các quy định về truy xuất nguồn gốc hàng hóa của thị trường EU ngày càng chặt chẽ và khắt khe hơn, điều này có thể khiến hàng hóa Việt Nam xuất vào EU bị áp thuế chống bán phá giá (baochinhphu.vn, 2020). Đối với thị trường EU, hàng hóa nhập khẩu yêu cầu phải chứng minh không chỉ nơi gia công, chế biến cuối cùng mà cả quá trình thu gom nguyên liệu, đánh bắt, nuôi trồng trước đó nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, không vi phạm các quy định về môi trường. Do vậy, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc hàng hóa còn là một hoạt động khá mới, doanh nghiệp và bản thân người tiêu dùng cũng chưa hiểu hết được ý nghĩa của truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Thứ ba, thách thức thứ 3 xuất phát từ sự thiếu liên kết chặt chẽ trong nông nghiệp giữa doanh nghiệp, nông dân và hợp tác xã sản xuất. Trong những năm gần đây, hàng hóa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu sang EU đã bị từ chối hoặc bị giám sát, áp lệnh kiểm tra 100%.

Lí do xuất phát chủ yếu từ khâu sơ chế, chế biến, khâu sản xuất hàng sản phẩm nông nghiệp. Quy trình sản xuất là một quy trình hoàn chỉnh mà ở đó doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn của nước nhập khẩu, tuy nhiên doanh nghiệp không thể giám sát 100% khâu sản xuất của nông dân hay hợp tác xã sản xuất vì những đối tượng này vẫn đang quen với cách thức sản xuất hàng hóa truyền thống, chưa quen với tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay có khoảng 55.000 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ngoài ra còn có 13.000 hợp tác xã nông nghiệp, 40 liên hiệp HTX đóng vai trò kết nối, liên kết với 10 triệu hộ làm nông nghiệp để tổ chức sản xuất. Tuy nhiên trong hơn 50.000 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nông nghiệp chỉ có 1000 doanh nghiệp trực tiếp liên kết với nông dân phát triển sản xuất. Như vậy có thể thấy mối liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp còn lỏng lẻo, thiếu bền chặt dẫn tới không đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp khi xuất khẩu sang EU.

Thứ tư, gỡ “thẻ vàng IUU” đối với xuất khẩu thủy sản là một bài toán cấp thiết cho ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Thẻ vàng IUU liên quan đến hoạt động khai thác trái phép, không khai báo và không theo quy định. Việt Nam nhận thẻ vàng IUU vì đã có nhiều tàu cá vi phạm IUU ở vùng biển nước ngoài. Trong thời gian từ đầu năm 2017 đến nay, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và EU vẫn diễn ra bình thường, nhưng các lô hàng sẽ bị tăng tần suất kiểm tra hồ sơ nguồn gốc sản phẩm khai thác nhập khẩu lên đến 100% các lô hàng.

Việc EC phạt thẻ vàng với các lô hàng thủy sản của Việt Nam đã tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh, đánh bắt cá; sản lượng xuất khẩu sang thị trường EU có dấu hiệu chững lại. Thủy sản xuất khẩu vào EU đều bị giữ lại từ cảng để kiểm tra khiến thời gian thông quan kéo dài lên đến 10-15 ngày, ảnh hưởng đến thời gian nhận hàng, kế hoạch kinh doanh của nhà nhập khẩu.

Rủi ro lớn nhất doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có thể gặp phải đó là sản phẩm không đáp ứng được điều kiện kiểm tra nghiêm ngặt, nên phải tìm kiếm thị trường mới hoặc quay về Việt Nam dẫn đến phát sinh thêm chi phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trong tình huống xấu nhất, nếu Việt Nam không hợp tác, giải quyết các khuyến nghị về quy định IUU, EC có thể áp thẻ đỏ, đặt lệnh cấm tất cả 27 nước thành viên không nhập khẩu thủy sản khai thác biển của Việt Nam. Điều này đỏi hỏi sự nỗ lực lớn từ phía Nhà nước và doanh nghiệp trong việc tháo gỡ thẻ vàng IUU và hiện nay đã có những tiến bộ đáng kể được EU ghi nhận.

Thứ năm, hoạt động quản trị doanh nghiệp còn nhiều hạn chế trong thực hiện trách nhiệm xã hội. Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là hoạt động quan trọng trong việc đảm bảo phát triển bền vững nói chung và phát triển xuất khẩu bền vững sang thị trường EU nói riêng. Các nhà nhập khẩu EU quan tâm đến việc thực hiện quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không đăng ký đối với hàng thủy sản. Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện các nghĩa vụ về môi trường trong khuôn khổ các ràng buộc và điều chỉnh của hiệp định đa phương về môi trường và Hiệp định EVFTA.

Theo đó, những vấn đề sau liên quan đến bảo vệ môi trường mà Việt Nam cần tuân thủ khi xuất khẩu hàng hóa sang EU: đa dạng sinh học và sinh vật ngoại lai; biến đổi khí hậu; bảo vệ tầng ozon; hàng hóa và dịch vụ môi trường; cơ chế tự nguyện bảo vệ môi trường; gắn nhãn sinh thái lên hàng hóa xuất khẩu.

Bên cạnh đó các vấn đề liên quan đến người lao động, chính sách đãi ngộ, minh bạch hóa thông tin về lao động cũng được chú trọng. Dù có nhiều nỗ lực nhưng hiện tại các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc khi áp dụng các tiêu chuẩn lao động. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi nhận thức về thực hiện trách nhiệm xã hội còn thấp và doanh nghiệp Việt Nam chú trọng nhiều đến lợi nhuận lên trên lợi ích của các nhân tố liên quan như cộng đồng, người lao động, môi trường.

Như vậy để đảm bảo phát triển bền vững xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang thị trường EU không chỉ dừng lại việc tận dụng cơ hội mà hiệp định EVFTA đem lại, doanh nghiệp Việt Nam còn phải giải quyết nhiều thách thức và hạn chế.

4. Kết luận

Hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực với một loạt ưu đãi về thuế quan, là cơ hội vàng cho xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Việc giảm đáng kể các khoản thuế đã giúp cho doanh nghiệp có thêm chi phí để đầu tư vào công nghệ, trang thiết bị với mục đích tạo ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU. Để có thể phát triển bền vững xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, các doanh nghiệp và Nhà nước sẽ phải có những hành động mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới để giải quyết các thách thức và tận dụng cơ hội mà hiệp định EVFTA đem lại.

Muốn đảm bảo phát triển xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp bền vững sang thị trường EU cần có sự đồng bộnỗ lực từ phía Nhà nước và các chủ thể sản xuất – kinh doanh hàng nông nghiệp. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và định hướng doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế.

Thứ nhất, Nhà nước cần đồng bộ chính sách pháp luật gắn với nông nghiệp nói chung và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp nói riêng, xây dựng các chính sách khuyến khích sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Nhà nước cần hoàn chỉnh quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và nâng cao quy mô, chất lượng sản xuất; ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp ra thị trường EU. Đối với hoạt động xuất khẩu thủy sản, cần tập trung xử lý gỡ bỏ thẻ vàng IUU do EC ban hành đối với Việt Nam, thông qua việc thực hiện 9 khuyến nghị bao gồm các nội dung tập trung về việc hoàn thiện khung pháp lý trong kiểm tra rà soát khai thác trên biển và bảo tồn nguồn lợi thủy sản, tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản.

Thứ hai, Nhà nước cần đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kèm theo các dịch vụ hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu bền vững. Các hoạt động cải cách hành chính trong lĩnh vực xuất khẩu có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giảm thiểu chi phí và rút ngắn thời gian cung ứng sản phẩm đến khách hàng. Việc đầu tư vào các cầu cảng, hệ thống vận tải cũng giúp cho các doanh nghiệp giải quyết được bài toán đảm bảo chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Nhà nước cần triển khai các biện pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ, kết nối hoạt động thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Thứ ba, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng thị trường xuất khẩu trọng điểm, có tiềm năng. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại với các quốc gia thành viên EU nhằm tạo cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước với đối tác quốc tế.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và cơ quan bộ ban ngành có liên quan thì chính các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động hơn nữa để tháo gỡ những khó khăn và hạn chế, đồng thời phát huy nguồn lực để tận dụng Hiệp định EVFTA, giúp cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tiếp cận được nhiều hơn các thị trường trong Liên minh châu Âu và nâng cao trị giá xuất khẩu sang thị trường EU.

Thứ nhất, chất lượng sản phẩm luôn là yếu tố tiên quyết, đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc các Hiệp định thương mại tự do FTA hoạt động, đã khiến cho thị trường khốc liệt hơn đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải đầu tư nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang thị trường EU, việc đầu tư kiểm tra rà soát chất lượng ngay từ những bước đầu của quá trình sản xuất là vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cần thường xuyên cập nhật những tiêu chuẩn mới về chất lượng sản phẩm nông nghiệp như GlobalGAP và cần tuân thủ tốt HACCP (hệ thống phân tích, xác định và tổ chức kiểm soát mối nguy trọng yếu trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm) được quy định trong Luật An toàn thực phẩm của EU.

Thứ hai, liên quan đến vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp cần xây dựng được chuỗi liên kết giá trị sản phẩm, để khi thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc, khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin liên quan đến quá trình hình thành sản phẩm. Khi truy xuất, có thể thấy được toàn bộ chuỗi quá trình mà tất cả đơn vị tham gia vào việc tạo ra sản phẩm. Hiện nay việc ứng dụng công nghệ có thể giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn khi thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tuy nhiên vấn đề quan trọng phụ thuộc vào tính minh bạch của doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin các đối tượng liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm nông nghiệp trước khi xuất khẩu sang EU.

Thứ ba, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ bền vững giữa doanh nghiệp, người nông dân và hợp tác xã nông nghiệp để phát triển chuỗi giá trị hàng hóa nông nghiệp. Doanh nghiệp phải đặt quyền lợi của mình song hành với quyền lợi của người nông dân và hợp tác xã. Hiện nay, các mối quan hệ trong nông nghiệp này chủ yếu tập trung liên kết trong quá trình sản xuất, mà chưa đầu tư xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị. Liên kết theo chuỗi giá trị, các bên liên quan sẽ có trách nhiệm hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm.

Doanh nghiệp sau khi tìm kiếm được thị trường và nắm rõ các yêu cầu của thị trường, sẽ tập huấn và phổ cập những kiến thức phục vụ sản xuất cho người nông dân để kiểm soát tốt hơn khâu sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao. Bản thân người nông dân cũng cần nhận thức được vai trò của mình trong gia tăng chuỗi giá trị cho sản phẩm. Ngoài ra, việc liên kết chuỗi giá trị, sẽ gia tăng sức mạnh cho bản thân các chủ thể sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tình trạng kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ trong hệ thống vận hành.

Thứ tư, doanh nghiệp cần chú trọng việc đảm bảo thực hiện trách nhiệm xã hội trong suốt quá trình quản trị và sản xuất sản phẩm. Trách nhiệm xã hội là yếu tố quan trọng gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Thông qua những hoạt động cốt lõi của trách nhiệm xã hội như: bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống người lao động, phát triển cộng đồng... sẽ tăng uy tín của doanh nghiệp trên thị trường và xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong giới kinh doanh.

                                              ThS. Phùng Xuân Hội - Học viện An ninh nhân dân

Tin khác