Tin trong ngành
Tuân thủ quy định về ghi nhãn hàng hóa mang lại nhiều lợi ích thiết thực
Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.

     Hiện nay, ghi nhãn hàng hóa có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, kinh doanh và cơ quan quản lý Nhà nước. Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.

Việc tuân thủ quy định về ghi nhãn hàng hóa không những giúp doanh nghiệp quảng bá cho hàng hóa của mình mà còn là căn cứ giúp người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn. Ảnh minh họa.

     Theo bà Cao Thị Bích Hà - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) - Bộ Khoa học và Công nghệ, trong năm 2022 vừa qua, công tác kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa có điểm thuận lợi hơn so với các năm trước.

     Cụ thể, thứ nhất, Cục đã được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Sau khi phát hiện vi phạm hành chính, trưởng đoàn kiểm tra sẽ lập biên bản vi phạm hành chính, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TCĐLCL theo quy định của pháp luật.

     Thứ hai, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục trong năm 2022 rất sát sao, quyết liệt. Cục đã chủ động tăng cường công tác khảo sát và thực hiện kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân trên phạm vi 3 miền Bắc, Trung, Nam.

     Thứ ba, công tác khảo sát, kiểm tra chất lượng có đổi mới sáng tạo, khảo sát online, giảm kiểm tra theo kế hoạch, tập trung kiểm tra có trọng tâm trọng điểm đối với các trường hợp vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm chất lượng, nhãn hàng hóa.

     Tuy nhiên, bên cạnh những tổ chức, doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật về nhãn hàng hóa thì vẫn còn nhiều tổ chức, doanh nghiệp vi phạm, hoặc không ghi nhãn, hoặc có nhãn hàng hóa nhưng ghi sai các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật... Mặc dù các cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc nhưng các hành vi vi phạm vẫn diễn biến phức tạp.

     Mặt khác, theo bà Hà, lực lượng làm công tác kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa mỏng, tổ chức chưa ổn định và có tính hệ thống chặt chẽ từ trung ương đến địa phương. Hơn nữa, việc đầu tư cho hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hóa còn hạn chế, thiếu các phương tiện kiểm tra nhanh để phát hiện vi phạm về chất lượng hàng hóa trên thị trường.

     Được biết, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử.

                                                                                                 Nguồn: vietq.vn

Tin khác