Thông tin cảnh báo
Hàng giả, hàng nhái: Tiêu hủy cần mạnh tay nhưng tránh lãng phí
Theo lực lượng chức năng, chỉ trong thời gian ngắn đã phát hiện và tiêu hủy lượng lớn hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

     Liên tiếp tiêu hủy lượng lớn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng kém chất lượng

     Theo Tổng cục QLTT, chỉ trong 2 năm qua, lực lượng QLTT trên cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 150.000 vụ buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt trong những tháng cuối năm 2022 và Quý I/2023, số lượng rất lớn hàng hóa vi phạm đã phải tiêu hủy trên địa bàn cả nước ngày càng nhiều. Số lượng hàng hóa lên đến hàng chục ngàn tấn, thu nộp ngân sách nhà nước gần 1.300 tỷ đồng. 

     Mới đây nhất, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tiêu hủy trên 25.000 sản phẩm hàng giả, hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là tang vật vi phạm hành chính bị phát hiện, tịch thu từ cuối năm 2022 đến nay.

     Các mặt hàng bị tiêu hủy, gồm: 14.563 chai nước hoa các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ; gần 4.000 kit test COVID-19 nhập lậu; 341 bao thuốc lá nhập lậu; 1.700 đôi tất, 166 đôi giày, 290 đôi dép và trên 700 chiếc quần, áo giả mạo nhãn hiệu… Ngoài ra còn có một số hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ như: Đồ chơi, bỉm trẻ em; phụ tùng xe máy; tinh dầu; linh phụ kiện điện thoại; dây thắt lưng; khoá cửa; máy sấy tóc, máy hút mụn…

Lượng lớn hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy chỉ trong thời gian ngắn. Ảnh: Cục QLTT Thái Nguyên

     Toàn bộ số hàng hóa nói trên được tiêu hủy tại Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Anh Đăng, ở xóm Quyết 2, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) - đơn vị được cấp giấy phép hành nghề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Việc tiêu hủy được thực hiện và giám sát chặt chẽ bởi Hội đồng xử lý tiêu hủy tài sản là tang vật bị tịch thu do vi phạm hành chính, gồm: Đại diện Cục QLTT tỉnh, Sở Tài chính, Công an tỉnh…. Theo từng chủng loại hàng hóa, Hội đồng lựa chọn hình thức tiêu hủy phù hợp, đảm bảo đúng quy định, không ảnh hưởng đến môi trường; toàn bộ tài sản sau khi tiêu huỷ không còn giá trị, khả năng sử dụng.

     Tại TP.HCM, lực lượng chức năng đã thu giữ và tiêu hủy hơn 65 tấn đường cát và trên 8.600 sản phẩm khác là hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tất cả số hàng trên đã bị tiêu hủy dưới sự giám sát của lực lượng chức năng tại Công ty TNHH SX-DV-TM Môi Trường Xanh, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Tổng giá trị hàng hóa tiêu hủy gần 1,7 tỷ đồng. Riêng đối với mặt hàng đường cát trắng được tiêu hủy bằng hình thức hòa tan, pha loãng sau đó đưa vào hệ thống xử lý nước thải.

     Tiếp đến tại Chi nhánh Môi trường đô thị Sài Gòn-Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh; Đội Quản lý thị trường số 12 phối hợp Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Thành phố, đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và các phòng thuộc Cục QLTT Thành phố tổ chức tiêu hủy 5.505 sản phẩm hàng hóa vi phạm, tổng trị giá hơn 179 triệu đồng.

     Hàng hóa vi phạm bị tiêu hủy gồm: túi xách, ví, giày dép, quần áo, đồng hồ, mắt kính, dây sạc điện thoại di động… là hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu: Louis Vuitton, Chanel, Adidas, Nike, Apple, Orient, Daniel Wellington, Rolex, Porsche/Porsche Design, Lacoste, Boss; thực phẩm (bánh, đường cát); mỹ phẩm (xà bông, kem trị nứt gót chân, dầu gội, mặt nạ, kem dưỡng da…) không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa nhập lậu và thuốc lá điếu nhập lậu.

     Còn trong tháng 3 vừa qua, Cục QLTT Hà Nội cũng đã giám sát tiêu hủy 15 tấn hàng không rõ nguồn gốc, trị giá 8,4 tỷ đồng. Hầu hết đều là các sản phẩm tiêu dùng, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, dầu gội đầu, sữa tắm và cả khí bóng cười…Các mặt hàng nằm trong diện tiêu hủy đều là các sản phẩm kém chất lượng, giả mạo nhãn hiệu, hàng cấm lưu hành và sản phẩm gây hại cho sức khỏe, môi trường. Trong đó, riêng lô hàng nước hoa có giá trị tới khoảng 6 tỷ đồng, lô hàng điện thoại đã qua sử dụng có giá trị gần 1 tỷ đồng.

     Cuối năm 2022, vụ việc tiêu hủy lô mỹ phẩm Obagi nhập lậu và thuốc tây không rõ nguồn gốc trị giá gần 20 tỷ đồng được đánh giá là một trong các vụ tiêu huỷ lớn nhất và mạnh tay nhất trong thời gian qua. Bởi số lượng lớn, giá trị hàng hoá cao và là các mặt hàng mỹ phẩm đã đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ tại Việt Nam, các sản phẩm thuốc phòng bệnh có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người dùng.

     Tiêu huỷ là chế tài xử phạt mạnh tay nhưng tránh sự lãng phí

     Có thể thấy, trong số hàng phải tiêu hủy, ngoài những sản phẩm giả, kém chất lượng, cũng có nhiều các mặt hàng có giá trị sử dụng cao bị tiêu hủy có thể là đã lãng phí.

     Hiện nay, việc bắt giữ hàng hóa vi phạm là hàng giả, hàng kém chất lượng do nhiều lực lượng chức năng xử lý. Trong đó, Tổng cục QLTT, cơ quan thuộc Bộ Công Thương chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, hành lang pháp lý còn thiếu và chưa đồng bộ, dẫn đến các cơ quan quản lý gặp nhiều vướng mắc trong xử lý, tiêu hủy.

     Chưa kể đến vấn đề kinh phí, ngân sách phục vụ cho công tác quản lý, giám định, xử lý tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn nhiều vướng mắc và hạn chế trong thực tiễn, dù chúng ta đã rất mạnh tay trong công tác chống hàng giả, hàng lậu và vi phạm sở hữu trí tuệ nhưng vẫn còn những vấn đề khác cần được lưu ý thêm để tránh sự lãng phí.

     Liên quan tới vấn đề tiêu hủy hàng hóa, Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về xử lý hàng hóa tồn đọng trong địa bàn hải quan, Luật Bảo vệ môi trường và chỉ đạo của Tổng cục Hải quan trong việc tiêu hủy, giám sát tiêu hủy đối với phế liệu tồn đọng.

     Đối với các lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu, đơn vị hải quan quản lý phế liệu tiêu hủy thực hiện xây dựng kế hoạch tổ chức tiêu hủy, trong đó xác định rõ danh sách chi tiết container, tên hãng tàu, đơn vị tiêu hủy, thời gian dự kiến, phương án tiêu hủy, trách nhiệm của Hội đồng xử lý tiêu hủy, Tổ giám sát tiêu hủy và các đơn vị có liên quan trong việc tổ chức tiêu hủy trước khi vận chuyển hàng hóa ra khỏi cảng để thực hiện tiêu hủy.

     Đơn vị hải quan quản lý phế liệu tồn đọng thực hiện lập Biên bản bàn giao các container phế liệu kèm niêm phong của hãng vận tải/niêm phong hải quan đưa đi tiêu hủy cho hội đồng xử lý (Tổ giám sát tiêu hủy) tại địa điểm thực hiện tiêu hủy.

     Tổng cục Hải quan yêu cầu thực hiện giám sát trực tiếp việc tiêu hủy hàng hóa hoặc giám sát bằng phương tiện kỹ thuật khác như giám sát qua hệ thống camera được kết nối với cơ quan Hải quan.

     Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo, trước khi thực hiện cắt niêm phong của hãng vận tải/niêm phong hải quan để tiêu hủy hàng hóa, cần chụp ảnh cửa container, chụp ảnh niêm phong trước khi cắt; lập biên bản mở container, ghi rõ số hiệu container, số niêm phong; tổ chức việc giám sát công tác tiêu hủy từ khi cắt niêm phong lấy hàng hóa ra khỏi container, đưa hàng hóa vào tiêu hủy, đến khi tiêu hủy xong toàn bộ lô hàng trong container; lập biên bản có xác nhận của các bên liên quan; lưu hình ảnh, biên bản vào hồ sơ xử lý tiêu hủy.

     Đặc biệt, Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo xử lý trách nhiệm của công chức có liên quan trong trường hợp phát hiện được các lô hàng phế liệu buộc phải tiêu hủy nhưng không được thực hiện tiêu hủy, thẩm lậu vào nội địa.

                                                                                                        Nguồn: vietq.vn

Tin khác