Thông tin cảnh báo
Liên tiếp phát hiện lượng lớn sách giáo khoa giả, không đảm bảo chất lượng
Từ đầu nay đến nay lực lượng chức năng các tỉnh thành phố trên địa bàn cả nước liên tiếp phát hiện, tạm giữ số lượng lớn sách giáo khoa giả mạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Phụ huynh cần cẩn trọng tránh mua phải sách lậu.

     Trong năm 2024, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã liên tục ghi nhận và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý nhiều vụ việc liên quan đến sách giáo khoa giả mạo tại nhiều tỉnh thành như Hậu Giang, TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Cà Mau, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Vũng Tàu,...

     Gần đây nhất, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang đã tiến hành kiểm tra tại 04 Nhà sách (02 Nhà sách trên địa bàn thị xã Long Mỹ, 02 Nhà sách trên địa bàn thành phố Ngã Bảy) phát hiện 3.319 quyển sách giáo khoa (lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10, lớp 11) đang trưng bày bán và lưu trữ sách giáo khoa có nhãn, bao bì hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm theo giá bán niêm yết là 77.991.000 đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng có dấu hiệu giả mạo sách giáo khoa giả mạo. Ảnh: Cục QLTT Hậu Giang.

     Số lượng tang vật nêu trên đã được tạm giữ, niêm phong để tiếp tục xác minh, làm việc và xử lý theo quy định.

     Trước đó, Công an Đà Nẵng đã phá thành công chuyên án SGK-192, triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả quy mô lớn tại thành phố này. Tổng cộng, cơ quan công an đã thu giữ 1 triệu con tem, 600.000 cuốn sách giả thành phẩm và bán thành phẩm trị giá khoảng 12 tỷ đồng, cùng với nhiều máy móc và thiết bị sản xuất sách giả.

     Tại Sóc Trăng, ngày 04 tháng 6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng đã phát hiện, tạm giữ 40.155 quyển, sách các loại giả mạo sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ước tổng giá trị hàng hóa hơn 598,7 triệu đồng.

     Hay tại Đồng Nai, qua kiểm tra, lực lượng chức năng tỉnh này đã phát hiện bộ 33.809 bản phẩm sách giáo khoa các loại. Trên bìa số sách giáo khoa trên có logo "GD", ghi tên Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, có tem chống hàng giả, có dấu hiệu giả mạo sách của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam. Tổng giá trị hàng hóa theo giá bán niêm yết khoảng 600 triệu đồng.

     Chuẩn bị cho năm học mới, nhu cầu mua sách giáo khoa tại các nhà sách tăng cao, tạo cơ hội cho sách giả trà trộn trên thị trường. Để tránh mua phải sách giả, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khuyến nghị phụ huynh và học sinh nên mua sách tại các cửa hàng trong hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đồng thời kiểm tra kỹ nhãn mác và bao bì sản phẩm.

                                                                                                           Nguồn: vietq.vn

Tin khác