Tin trong ngành
Truy xuất nguồn gốc: Công cụ kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là một hoạt động còn khá mới, tuy nhiên, hoạt động này đã và đang được triển khai mạnh mẽ, nhận được sự quan tâm chung từ hệ thống các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

     Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất mà toàn cầu phải đối mặt trong hiện tại và tương lai. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26), tất cả 197 quốc gia tham gia đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow với cam kết “tăng tốc các nỗ lực hướng tới giảm thiểu điện than và loại bỏ trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch có hiệu suất kém”. Mục tiêu này đòi hỏi phải cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào 2050. 

     Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là một hoạt động còn khá mới, tuy nhiên, hoạt động này đã và đang được triển khai mạnh mẽ, nhận được sự quan tâm chung từ hệ thống các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

     Kiểm kê khí nhà kính

     Sau cam kết của Việt Nam tại COP26, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP (Nghị định số 06) ngày 07/01/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và bảo vệ tầng ô-dôn. Tiếp theo đó, ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg (Quyết định số 01) ngày 18/01/2022 ban hành danh mục 1912 cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê. Hiện tại, các doanh nghiệp đang rất cần những hỗ trợ từ phía các chuyên gia, các công cụ tính toán, các giải pháp công nghệ để thực hiện được lộ trình kiểm kê và giảm nhẹ phát thải KNK.

     Theo Quyết định số 01, các đơn vị phải thực hiện kiểm kê KNK có mức phát thải KNK từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp sau: Nhà máy nhiệt điện và cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng phát thải KNK hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (1.000 TOE) trở lên; công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng lượng tiêu thụ nhiên liệu hàng năm từ 1.000 TOE trở lên; tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; các cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

Lộ trình thực hiện kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của 1912 cơ sở theo Quyết định số 01.

     Như vậy, hiện nay các cơ sở đang trong giai đoạn 2, kiểm kê và xây dựng báo cáo cấp cơ sở, giai đoạn rất cần nhận được những tư vấn từ các chuyên gia, các công cụ tính toán và biện pháp giảm nhẹ phát thải KNK. Mặt khác, các nước phát triển liên tục ra các luật định mới về xanh hóa, phát triển bền vững...

     Liên minh châu Âu (EU) siết chặt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, đưa ra cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Về bản chất, CBAM sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU, dựa trên cường độ phát thải KNK trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

     Lộ trình và các yêu cầu quan trọng của CBAM: 01/10/2023: bắt đầu báo cáo (theo dõi kỹ lưỡng hàng quý đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc diện CBAM, bao gồm chi tiết sản xuất và dữ liệu phát thải); 31/01/2024: nộp báo cáo đầu tiên (bao gồm hàng hóa nhập khẩu quý 4 năm 2023; rà soát và hoàn thiện báo cáo của đến hết ngày 31/07); giai đoạn chuyển tiếp 2023-2025: cho phép hình thức báo cáo đơn giản bằng cách sử dụng các giá trị mặc định nếu dữ liệu từ nhà cung cấp chính vẫn không có sẵn. Từ năm 2026 trở đi, bắt đầu giai đoạn tài chính. Việc mua chứng chỉ CBAM trở nên bắt buộc để bù đắp lượng khí thải của sản phẩm nhập khẩu. Đơn vị nào không tuân thủ sẽ bị phạt nghiêm khắc.

Phạm vi sản phẩm áp dụng chứng chỉ CBAM.

     Truy xuất nguồn gốc sản phẩm

     TXNG là hoạt động giám sát, xác định được một đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh trên nguyên tắc:

     Một bước trước - một bước sau: Bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm, hàng hóa.

     Sẵn có của phần tử dữ liệu chính: Các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong các báo cáo chi tiết về các sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng.

     Minh bạch: Hệ thống TXNG phải đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất.

     Sự tham gia đầy đủ các bên TXNG: Hệ thống TXNG phải có sự tham gia đầy đủ của các bên TXNG của tổ chức.

     Tại Việt Nam, TXNG là một hoạt động khá mới, tuy nhiên, song đã và đang được triển khai mạnh mẽ, nhận được sự quan tâm chung từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

     Để thống nhất, tiêu chuẩn hóa các hệ thống, nền tảng TXNG đang triển khai trên thị trường, ngày 28/03/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN về quy định quản lý TXNG sản phẩm hàng hóa. Trong đó quy định dữ liệu TXNG của từng sản phẩm, hàng hóa trong hệ thống TXNG sản phẩm, hàng hóa bao gồm tối thiểu các thông tin sau: tên sản phẩm, hàng hóa; hình ảnh sản phẩm, hàng hóa; tên đơn vị sản xuất, kinh doanh; địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh; các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh (bao gồm tối thiểu thông tin mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và thời gian sự kiện TXNG của từng công đoạn); thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện TXNG diễn ra); mã TXNG sản phẩm, hàng hóa; thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có); thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có); các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng.

     Các bên tham gia trong chuỗi cung ứng sẽ sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm bảo đảm phù hợp với TCVN 13274:2020 TXNG (hướng dẫn định dạng các mã dùng trong truy vết) và phải sử dụng vật mang dữ liệu bảo đảm phù hợp theo TCVN 13275:2020 TXNG (định dạng vật mang dữ liệu).

Hệ thống TXNG sản phẩm.

     Truy xuất nguồn gốc tích hợp kiểm kê khí nhà kính

     Kiểm kê KNK là hoạt động thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải KNK, tính toán lượng phát thải và hấp thụ KNK trong một phạm vi xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Phạm vi kiểm kê khí nhà kính.

     Kiểm kê KNK và quá trình TXNG đều phải thực hiện quá trình xem xét, đánh giá, thu thập dữ liệu tại từng công đoạn sản xuất trong suốt quá trình tạo ra sản phẩm. Các quá trình thực hiện kiểm kê và truy xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế để đảm bảo tính đồng nhất, minh bạch.

     Do đó, hoàn toàn có thể kết hợp hai hệ thống bằng cách tích hợp hệ số phát thải và công thức tính toán phát thải trong kiểm kê KNK vào hệ thống TXNG. Điều này sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch, chính xác qua đó giúp nâng cao khả năng kiểm kê và thực hiện giảm nhẹ phát thải KNK.

     Một ví dụ điển hình mà Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia đã hỗ trợ việc kiểm kê KNK là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Được thành lập năm 1991, sau hơn 30 năm hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê, Vĩnh Hiệp đã trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu mặt hàng nông sản, thuộc Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Nguồn nguyên liệu cà phê được chọn lọc từ hơn 10.000 hộ nông dân, với phương thức canh tác trồng trọt đạt tiêu chuẩn 4C, Rainforest Alliance.

     Bên cạnh đó, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sở hữu nông trại cà phê hữu cơ đạt chứng nhận hữu cơ của Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản.  Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia đã hợp tác với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp xây dựng và triển khai hệ thống TXNG điện tử sản phẩm cà phê tích hợp tính toán phát thải KNK cho doanh nghiệp. Hệ thống này giúp xác định: nguồn gốc nguyên liệu (xác định nguồn gốc của nguyên vật liệu và các nhà cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…); quá trình sản xuất (các khâu chăm sóc, chế biến tạo ra các sản phẩm hạt cà phê được hệ thống truy xuất lưu trữ như chế độ tưới, làm cành, thu hoạch, vận chuyển, sấy); kiểm soát chất lượng (các thông tin chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm như độ ẩm hạt…);  tính toán được lượng CO2 phát thải cho 1 kg sản phẩm và tổng lượng phát thải trong phạm vi sản xuất).

     Kết quả cho thấy, giải pháp tích hợp kiểm kê KNK vào hệ thống TXNG giúp doanh nghiệp cùng lúc giải quyết hai vấn đề về minh bạch chuỗi cung ứng và kiểm soát lượng phát thải KNK vào khí quyển. Đặc biệt, kết quả này có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khi mà các nước phát triển trên thế giới yêu cầu ngày càng cao về nguồn gốc sản phẩm và sản phẩm “xanh”.

     Trong tương lai, doanh nghiệp có thể tích hợp kiểm kê KNK, TXNG cùng với các giải pháp chuyển đổi số để đưa ra được bộ số liệu, biểu đồ phân tích về phát thải KNK trong từng công đoạn, dự đoán được xu hướng và đưa ra các giải pháp giảm nhẹ phát thải KNK cho quá trình tạo ra sản phẩm của doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và hội nhập.

Nguyễn Ngọc Thụy, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Đắc Minh, Bùi Bá Chính

(Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia - Ủy ban TCĐLCL Quốc gia)

 
Tin khác