Thông tin cảnh báo
Cảnh báo tai nạn nghiêm trọng do nướng đồ khô bằng cồn 90 độ
Tai nạn bỏng cồn rải rác quanh năm nhưng thường gặp nhất vào mùa hè. Một câu hỏi được nhiều người quan tâm là nướng mực cách nào để tránh nguy hiểm nhất có thể?

     Mới đây, mạng xã hội lan truyền clip ngắn ghi lại cảnh người đàn ông đang nướng mực, một tay cầm mực, một tay đổ cồn vào chảo, bất ngờ ngọn lửa bùng mạnh và lan sang bé gái ngồi cách đó không xa. Trong giây lát ngọn lửa quấn quanh người bé gái khiến tất cả hốt hoảng bế bé gái tìm cách sơ cứu.

     Việc bỏng cồn khi nướng thực phẩm, phổ biến là nướng mực, cá khô… không phải hiếm gặp. Trước đây, nhiều nạn nhân cũng bỏng nặng khi nướng cồn phải nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng.

     Anh Đặng Minh Tuấn, phường Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội không khỏi rùng mình nhớ về tai nạn bỏng khi nướng mực cách đây không lâu. Anh cho biết, hôm đó nhà có mấy người bạn đến chơi, anh đem mực khô ra ban công để nướng. Trong lúc đổ thêm cồn vào đĩa nướng, do không cẩn thận khiến lửa bén lên chai cồn. Bị lửa bám vào tay, anh Tuấn phản xạ ném xuống nền nhà nên cồn bốc lên cháy toàn bộ phần thân dưới.

     "May lúc đó có mọi người xử lý nên tôi chỉ bị bỏng ở hai chân. Tuy nhiên, tôi phải nằm viện điều trị mất 1 tháng mới hồi phục. Nhớ lại tai nạn đó, đến giờ tôi vẫn thấy kinh hoàng. Chỉ vì một chút bất cẩn mà gây hậu quả lớn cho sức khỏe, tiền nằm viện lên đến vài chục triệu đồng. Mọi người hãy thận trọng với việc nướng cá, mực bằng cồn, khi cần tiếp cồn cần để lửa tắt hết mới đổ thêm cồn vào", anh Tuấn chia sẻ.

     Một trường hợp khác - chị Nguyễn Thị Huyền Trang (29 tuổi, Hà Nội) đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại lần nướng mực bằng cồn vào mùa hè cách đây vài năm trước. Khi đó, chị Trang vẫn ở trọ cùng chị gái, mùa hè nóng bức 2 chị em mang mực ra nướng để uống bia thì không may lọ cồn bị nổ. 

     "Rất may lọ cồn chỉ còn lại một chút nên cả 2 chị em không ai bị thương nặng nhưng đều choáng váng, ù tai, thấy trời đất tối sầm… Những mảnh vỡ của lọ cồn bắn ra, cứa vào cơ thể làm da trầy xước và chảy máu", chị Trang nhớ lại.

     Hầu hết ca bỏng cồn nhập viện đều do nướng mực hoặc cá khô. Tai nạn bỏng cồn rải rác quanh năm, thường gặp nhất vào mùa hè. Các bác sĩ tại Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác cảnh báo: "Mực, cá khô là đồ dễ bảo quản, dễ chế biến thành món ăn, cùng với đó là thói quen dùng cồn để nướng mực của nhiều người dân. Tình huống bị bỏng cồn xảy ra do ngọn lửa của cồn có màu xanh nhạt, nhìn bằng mắt thường đôi khi khó nhận ra (nhất là dưới ánh nắng mặt trời), dẫn đến nhiều người nghĩ cồn đã cháy hết mà thức ăn chưa chín, họ lại tiếp tục đổ thêm cồn trực tiếp vào khay thức ăn đang nướng dở khiến lửa bắt vào cồn cháy bùng lên".

     Theo Bác sĩ Nguyễn Nam Giang – Trưởng khoa Bỏng (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), hàng năm cơ sở y tế tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị bỏng do nướng đồ khô bằng cồn. Các ca bỏng cồn mà bệnh viện tiếp nhận đều sử dụng loại cồn 90 độ đóng chai. Các loại cồn khô, cồn thạch nấu bằng bếp cháy không mạnh, không bị bùng lên nên hiếm khi gây tai nạn bỏng. 

     "Đặc thù của bệnh nhân bỏng cồn là thường bỏng ở vùng nhạy cảm như ngực, chân, tay và mặt. Đây là những vị trí ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ sau này", bác sĩ Giang thông tin và cho hay, điều trị cho bệnh nhân bị bỏng do cồn cũng giống như những loại bỏng khác. Phác đồ điều trị phụ thuộc vào diện tích và độ sâu của tổn thương bỏng. "Nhìn chung các ca bỏng cồn, quá trình điều trị thường gặp nhiều khó khăn. Trường hợp bỏng sâu phải tiến hành mổ cắt hoại tử và ghép da, khiến thời gian điều trị có thể kéo dài cả tháng trời", bác sĩ Giang chia sẻ.

     Bác sĩ đưa ra lưu ý, người dân nên bỏ thói quen sử dụng cồn y tế để nướng mực, cá khô hoặc đồ ăn khác vì rất nguy hiểm, chỉ sơ suất trong phút chốc có thể khiến bạn và người xung quanh bị bỏng. Nên dùng các biện pháp nướng an toàn hơn như nướng ở lò vi sóng, bếp than, bếp gas.

                                                                                                              Nguồn: vietq.vn

Tin khác