Tin trong ngành
‘Điểm sáng’ trong hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng năm 2023
Năm 2023, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã nhận được sự chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), sự hỗ trợ, phối hợp có hiệu quả của các đơn vị trong và ngoài Bộ. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về TCĐLCL cơ bản đã hoàn chỉnh và đồng bộ, tạo cơ sở nền tảng pháp lý để triển khai các hoạt động cụ thể của Tổng cục và các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống TCĐLCL.

     Triển khai nhiều hoạt động thiết thực

     Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2023, Tổng cục TCĐLCL đã chủ động hướng dẫn, đôn đốc và phối hợp các Bộ, ngành, địa phương lập kế hoạch, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực, hàng hóa chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần cho phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các yêu cầu, quy định của các Hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam cam kết và tham gia thực hiện (WTO/TBT, EVFTA, CPTPP,…).

     Tổng cục TCĐLCL là cơ quan đầu mối hướng dẫn, tổng hợp, lập và trình phê duyệt kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN); tổ chức tốt công tác tiếp nhận, góp ý, thẩm định, trình Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) công bố 663 TCVN (tăng 34% so với năm 2022); theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện việc xây dựng, soát xét TCVN theo kế hoạch đã được Bộ KH&CN phê duyệt; tham mưu Bộ KH&CN góp ý, tiếp nhận và thẩm định 41 dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) (tăng 28% so với năm 2022) của các Bộ quản lý chuyên ngành đảm bảo công tác quản lý nhà nước và hạn chế các rào cản, thủ tục hành chính, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp; hướng dẫn, góp ý 26 dự thảo QCVN, 21 dự thảo quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP); tiếp nhận đăng ký 15 QCVN và 04 QCĐP; hồ sơ hủy bỏ 102 QCVN, làm thủ tục thành lập mới, thành lập lại, gia hạn hoạt động cho 19 Ban kỹ thuật/Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ thông tin, kiểm soát môi trường, xây dựng, y tế, giao thông vận tải, PCCC, an toàn thực phẩm, chuyển đổi số…

     Nhằm đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế, Tổng cục tiếp tục triển khai việc xây dựng Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 và trình Lãnh đạo Bộ KH&CN ký Tờ trình số 1542/TTr-BKHCN ngày 26/5/2023 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

     Tổng cục tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cung cấp thông tin phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, duy trì việc cung cấp miễn phí các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến lĩnh vực quản lý rủi ro, trang thiết bị y tế.

Xã hội ngày càng quan tâm đến hoạt động TCĐLCL. ảnh minh họa

     Trong công tác quản lý về đo lường, năm 2023, Tổng cục tập trung rà soát, xây dựng VBQPPL, văn bản quản lý về đo lường nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý và kỹ thuật trong công tác quản lý nhà nước thống nhất từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, Tổng cục đã thực hiện tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, tuyên truyền, giải đáp vướng mắc cho các Chi cục TCĐLCL tỉnh, thành phố và các tổ chức doanh nghiệp, người dân thực hiện đúng các VBQPPL về đo lường, cụ thể: Tổng cục đã thực hiện việc quản lý, xây dựng, trình ban hành 51 văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN); cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 123 lượt đơn vị (tăng 23% so với năm 2022); chỉ định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 80 lượt đơn vị (tăng 11% so với năm 2022); chứng nhận chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 cho 150 lượt đơn vị (tăng 10% so với năm 2022); chứng nhận cấp thẻ kiểm định viên đo lường 223 lượt đơn vị (tăng 27% so với năm 2022); phê duyệt 2719 mẫu phư¬ơng tiện đo nhập khẩu, sản xuất trong nước (giảm 18% so với năm 2022); Chỉ định tổ chức kiểm định đối chứng đồng hồ nước lạnh và công tơ điện 19 lượt đơn vị (giảm 24% so với năm 2022); kiểm tra nhà nước về đo lường 19 đơn vị (tăng 26% so với năm 2022); hướng dẫn hơn 500 tổ chức, cá nhân liên quan đến thủ tục phê duyệt mẫu phương tiện đo, cách ghi định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn, đăng ký và chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường...

     Tổng cục tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 996) theo kế hoạch, mục tiêu của đề án với một số kết quả nổi bật góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.

     Hiện nay, Tổng cục đang triển khai xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030 và đã hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.

     Trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, năm 2023, Tổng cục tiếp tục hướng dẫn các bộ, ngành, Chi cục TCĐLCL tỉnh, thành phố, tổ chức doanh nghiệp và cá nhân thực hiện đầy đủ quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá và các VBQPPL dưới luật, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình triển khai, áp dụng liên quan đến hoạt động đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH) và quản lý chất lượng SPHH, đặc biệt là SPHH nhóm 2 của Bộ KH&CN quản lý, cụ thể: Phối hợp với các Bộ, ngành trong quá trình triển khai Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP, Nghị định số 13/2022/NĐ-CP, Thông tư số 06/2020/TT-BKHCN về công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu;

     Tiếp tục duy trì việc công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN và Tổng cục về Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN; duy trì thực hiện các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia.

     Tổng cục đầu mối giúp Lãnh đạo Bộ KH&CN quản lý hoạt động ĐGSPH, trên cơ sở tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra và trực tiếp xử lý các vướng mắc của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp về quản lý chất lượng SPHH, hoạt động ĐGSPH và SPHH nhóm 2 do Bộ KH&CN quản lý đã đáp ứng đúng yêu cầu quy định và nhu cầu của doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

     Số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến hoạt động ĐGSPH (đăng ký và chỉ định), tư vấn ISO trong cơ quan hành chính, pha chế xăng dầu, tiếp nhận bản công bố pha chế khí, vận chuyển hàng nguy hiểm năm 2023 là 1.210 hồ sơ (tăng 50% so với năm 2022), trong đó 755 hồ sơ đã được giải quyết xong, 375 hồ sơ đã có công văn trả lời cơ quan, tổ chức và 80 hồ sơ đang giải quyết .

     Tổng cục tiếp tục hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương về triển khai Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 theo quy định tại Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, tránh lãng phí; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước, đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg. Đặc biệt, Tổng cục đã hướng dẫn, hỗ trợ TP. Hải Phòng triển khai thành công thí điểm áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 18091:2020 tại 12 cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố với kết quả bước đầu mang lại nhiều hiệu quả cao cho TP. Hải Phòng và tổ chức Hội thảo phổ biến tiêu chuẩn TCVN ISO 18901:2020 cho các địa phương.

     Ngày 13/12/2023, Sở KH&CN TP.Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị tổng kết áp dụng thí điểm TCVN ISO 18091:2020. Ngoài ra, để triển khai tại một số địa phương khác trong thời gian tới, Tổng cục đã thành lập Tổ công tác triển khai áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 18091:2020 tại các địa phương (Quyết định số 818/QĐ-TĐC ngày 11/5/2023) và nghiên cứu, xây dựng và ban hành tài liệu hướng dẫn về phương pháp tự đánh giá và bộ chỉ số đánh giá quản lý chất lượng tổng thể theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 18091:2020 (Quyết định số 1523/QĐ-TĐC ngày 06/9/2023).

     Thuận lợi và khó khăn trong công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng

     Có thể thấy năm 2023, Tổng cục đã nhận được sự chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Bộ, sự hỗ trợ, phối hợp có hiệu quả của các đơn vị trong và ngoài Bộ. Hệ thống VBQPPL về TCĐLCL cơ bản đã hoàn chỉnh và đồng bộ, tạo cơ sở nền tảng pháp lý để triển khai các hoạt động cụ thể của Tổng cục và các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống TCĐLCL.

     Công tác phối hợp với các Bộ/ngành đã được tăng cường để xử lý các vướng mắc liên quan đến TCĐLCL thông qua các buổi làm việc về kế hoạch với các bộ, ngành, công tác tiêu chuẩn hóa đã được đẩy mạnh và tăng cường hơn trong hoạt động quản lý chuyên ngành. Lãnh đạo Tổng cục và toàn thể công chức, viên chức, người lao động luôn nhiệt tình, chủ động trong công việc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch, cũng như các nhiệm vụ đột xuất.

     Xã hội ngày càng quan tâm đến hoạt động TCĐLCL, đặc biệt là các doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành TCĐLCL, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của Tổng cục. Sự phối hợp, hỗ trợ tạo điều kiện lẫn nhau giữa các đơn vị trong và ngoài Tổng cục đã được duy trì và tăng cường; các tổ chức quốc tế, khu vực, các đối tác nước ngoài tích cực giúp đỡ, cung cấp nguồn lực, tài liệu, chia sẻ kinh nghiệm.

     Bên cạnh thuận lợi, Tổng cục cũng gặp những khó khăn trong công việc đột xuất phát sinh và đòi hỏi chuyên môn sâu ngày một nhiều trong khi ngân sách và nhân lực ngày càng thu hẹp; Sự quan tâm của các cấp lãnh đạo của một số Bộ/ngành, địa phương đối với công tác TCĐLCL có phần được đẩy mạnh song chưa thực sự thường xuyên; Thời hạn yêu cầu tổng hợp báo cáo, góp ý văn bản, phối hợp công tác thường rất gấp nên ảnh hưởng tới chất lượng xử lý, đôi khi chưa bảo đảm về thời gian theo đề nghị của một số Bộ quản lý ngành, lĩnh vực vì văn bản nhận được có thời hạn xử lý ngắn hoặc hết thời hạn.

     Sự phối hợp của một số Bộ, ngành đã được tăng cường tuy nhiên việc phối hợp thực hiện Hiệp định TBT/WTO còn chưa được chặt chẽ, làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ minh bạch hóa các văn bản pháp luật của Việt Nam. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp còn chưa quan tâm và hiểu biết nhiều về TBT; Cơ chế tài chính theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định giảm mức trích Quỹ bổ sung thu nhập so với Nghị định số 54/2016/NĐ-CP, do đó đã làm ảnh hưởng đến các đơn vị sự nghiệp.

                                                                                                         Nguồn: vietq.vn

Tin khác