Thông tin cảnh báo
Cảnh báo an toàn thực phẩm với bánh trung thu cận date giá siêu rẻ
Sau tết Trung thu, tại một số tuyến phố hay trên mạng xã hội xuất hiện loạt bài viết rao bán xả hàng bánh trung thu giá siêu rẻ tuy nhiên các chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo cần thận trọng khi mua.

     Nhiều tài khoản mạng xã hội rao bán xả lỗ bánh trung thu còn hạn dùng đến cuối tháng 9 hoặc tháng 10 với mức giá chỉ còn 30-70% so với vài ngày trước Rằm tháng Tám.

     Tài khoản Phương Nguyễn đăng bài bán bánh trung thu nhãn hiệu Kinh Đô trọng lượng 150gr - 180g với mức giá chỉ 35.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, chỉ vài ngày trước, giá của mỗi chiếc bánh thương hiệu này là 95.000 đồng. Trong khi đó, bánh trung thu nhãn hiệu Rosepie được rao bán giảm 70% so với trước đó, combo 5 bánh chỉ còn 125.000 đồng, khách mua 10 bánh chỉ còn 220.000 đồng, tương đương 22.000 đồng/chiếc. Còn bánh trung thu thương hiệu Maison được bán với giá 189.000 đồng/10 chiếc; bánh trung thu Madam Hương được xả hàng với giá 200.000 đồng/6 chiếc...Bên cạnh đó, những sản phẩm bánh trung thu handmade còn được thanh lý với mức giá rẻ hơn, dao động từ 9.000 đồng đến 20.000 đồng/chiếc. 

     Không chỉ trên chợ mạng, theo khảo sát, dù đã qua tết Trung thu nhưng nhiều quầy bánh vẫn được mở trên các tuyến phố tại Hà Nội và đang giảm giá rất sâu để mời chào khách.

     Trên các tuyến phố như Mỹ Đình, Thanh Nhàn, Giảng Võ, Trương Định... rất nhiều quầy bánh lưu động vẫn hiện diện và hầu hết đều treo biển "Đại hạ giá", "Giảm giá 50%", "Bánh trung thu hạ giá 25k - 35k". Mặc dù vậy, những lời mời chào hấp dẫn này vẫn chưa thu hút được nhiều khách hàng.

     Theo nhân viên một cửa hàng, các loại bánh được thu mua từ nhiều hãng, thương hiệu lớn và có đầy đủ nhãn mác, hạn sử dụng, khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng.

Bánh trung thu đại hạ giá, siêu rẻ bán nhiều trên mạng, vỉa hè. Ảnh: VTC News

     Theo ghi nhận tại một chợ cóc trên địa bàn huyện Đan Phượng, Hà Nội, bánh trung thu (bánh dẻo, bánh nướng) ế được bán đồng giá 25.000 đồng/chiếc (cỡ đại - 400 gram).

     Mặc dù thông tin sản phẩm, nhà sản xuất, hạn sử dụng, tem nhãn trên mỗi chiếc bánh đều mập mờ, chung chung, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) nhưng người tiêu dùng nơi đây chẳng mấy quan tâm, vẫn “vô tư” lựa chọn vì tâm lý ai cũng thích rẻ.

     Theo lý giải của các tiểu thương, những loại bánh trung thu siêu rẻ này đa số là hàng “cận date”. Vì hết mùa Trung thu nên các hãng xả hàng, tuy nhiên, sản phẩm vẫn đảm bảo an toàn, chất lượng tới tay người tiêu dùng.

     Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm- Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, các loại bánh trung thu cần được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ tiêu chuẩn mới không bị hỏng khi còn hạn sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các quầy bánh trung thu ở ngoài đường phơi nắng cả ngày, nếu bảo quản không tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và sức khỏe người tiêu dùng. Nấm mốc có thể sẽ phát triển trong điều kiện này.

     PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, thời điểm sau tết Trung thu, người tiêu dùng lưu ý các loại bánh được “xả hàng”, kiểm tra xem đã hết hạn sử dụng, có dấu hiệu hỏng không, quan sát kỹ vỏ bánh để phát hiện nấm mốc. Bởi nguy cơ ngộ độc của các loại bánh mốc là cực cao.

     Để bảo đảm an toàn, người tiêu dùng thận trọng với các loại bánh siêu giảm giá, không nên ham rẻ mà tiêu chí đầu tiên phải là an toàn cho sức khỏe. Khi mua, chúng ta dùng cảm quan để tự kiểm tra màu sắc, mùi vị của bánh để tránh mua phải bánh đã hết hạn sử dụng hoặc sắp hết hạn, bị ôi thiu, nấm mốc và kém chất lượng.

     Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho hay, để sản xuất ra một chiếc bánh trung thu, đặc biệt là các loại bánh nhân thập cẩm sẽ có rất nhiều nguyên liệu khác nhau như: bột mì, đường, trứng, thịt, xúc xích, lạp sườn...Thế nhưng, với những chiếc bánh được bán với giá quá rẻ rất khó để bảo đảm về chất lượng. Nếu các cơ sở sản xuất bánh không đảm bảo vệ sinh có thể là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi phát triển, gây hại cho sức khỏe. Do đó, người sản xuất bánh trung thu cần tuân thủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm, nhà xưởng, nguyên liệu, hạn sử dụng rõ ràng…

     Hiện nay, trên thị trường xuất hiện các loại bánh trung thu giá rẻ, người dân cần cảnh giác với các yếu tố độc hại có thể có như chất bảo quản, phẩm màu độc hại, hư hỏng bên trong.

     Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người tiêu dùng, bánh mua về phải được bảo quản theo đúng hướng dẫn trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất và để ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập. Đặc biệt, người dân chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, bánh không bị biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không có mùi khác lạ.

     Bánh trung thu dễ bị hỏng nếu để quá lâu ở nhiệt độ từ 25 độ C trở lên. Bởi mức nhiệt này là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi và dễ dàng xâm nhập vào bánh, gây hỏng và mốc bánh. Đối với bánh trung thu tự làm (handmade) thường không sử dụng chất bảo quản nên loại bánh này chỉ có thời hạn sử dụng trung bình tối đa 7 ngày. Cụ thể, bánh nướng có hạn 7 ngày, còn bánh dẻo là 4 ngày. Đối với bánh trung thu mua sẵn, nhờ vào một lượng nhỏ chất bảo quản (các chất này phải trong danh mục cho phép của Bộ Y tế) thường có thời hạn sử dụng trung bình khoảng 3 tháng.

                                                                                                        Nguồn: vietq.vn

Tin khác