Thông tin cảnh báo
Cảnh báo đồ chơi 'bom thối’ bán tràn lan trước cổng trường gây ra nhiều mối nguy hiểm
Trước tình trạng đồ chơi 'bom thối' được bán tràn lan trước cổng trường nhiều tỉnh thành đã phải phát đi cảnh báo do sản phẩm này tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe.

     Công an xã Gio Hải (Gio Linh, Quảng Trị) vừa phát đi cảnh báo về mức độ nguy hiểm của "bom thối" - một loại đồ chơi xuất hiện tại cổng một số trường tiểu học trên địa bàn.

     Theo đó sau khi nắm được thông tin tại một số cổng trường trên địa bàn đang bán tràn lan loại đồ chơi 'bom thối' Công an xã Gio Hải (Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã trực tiếp xác minh, kiểm tra các quán tạp hóa trên địa bàn và phát hiện một số quán tạp hóa gần trường học có bán loại đồ chơi trên. 

     Qua kiểm tra lực lượng chức năng nhận thấy loại đồ chơi này có hình như quả lựu đạn, bên trong chứa hóa chất. Khi bị ném đi hoặc giẫm lên, "bom thối" phát nổ, hóa chất trong túi bắn ra gây mùi thối, khó chịu…Bước đâu công an xác định thành phần hóa chất trong các gói đồ chơi này có chứa sodium bicarbonate và acid citric. Những chất này khi bắn vào người có thể gây kích ứng da và niêm mạc mắt. Ngoài ra, mùi hôi thối phát ra từ loại đồ chơi này cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em.

Đồ chơi 'bom thối' bán tràn lan tại cổng trường học. Ảnh: Tuổi Trẻ

     Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc đã có một số chủ tiệm tạp hóa đã tự nguyện giao nộp các loại đồ chơi trên, đồng thời cam kết không tiếp tục bán những đồ chơi loại này và tương tự. Phía công an cũng yêu cầu các trường học trên địa bàn khẩn trương thông báo cho học sinh và phụ huynh không mua, sử dụng đồ chơi "bom thối" này.

     Tương tự, vào ngày 4/4/2024 Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long cũng đã có công văn khuyến cáo gửi các ngành, đơn vị giáo dục y tế về việc học sinh ngộ độc do sử dụng đồ chơi Fart bomb, made in China còn gọi là 'bom thối'. Khuyến cáo của Sở Y tế đưa ra sau khi xảy ra việc 19 học sinh trên địa bàn huyện Long Hồ nhập viện nghi do ngộ độc khí từ “bóng thối”.

     Trước vụ việc trên Sở Y tế đề nghị các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mầm non và trung học cơ sở, khẩn trương tuyên truyền, thông báo cho học sinh và phụ huynh không mua và sử dụng đồ chơi nói trên. Nhà trường cần gặp gỡ, khuyến cáo các cá nhân bán đồ chơi trong và ngoài trường học không buôn bán các sản phẩm đồ chơi gây nguy hại đối với học sinh.

     Cùng ngày, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, tuyệt đối không cho học sinh sử dụng các sản phẩm, đồ dùng như bóng thối, bóng cười, bóng nổ,... không rõ nguồn gốc và có nguy cơ gây hại sức khỏe, tinh thần.

     Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 3:2019/BKHCN về An toàn đồ chơi trẻ em 

     Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 3:2019/BKHCN do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành. Theo đó Quy chuẩn quy định yêu cầu đối với đồ chơi trẻ em nhằm giảm thiểu các mối nguy và rủi ro liên quan đến an toàn, sức khoẻ của trẻ, phương pháp thử tương ứng, các nội dung quản lý đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường. Quy chuẩn áp dụng với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ đồ chơi trẻ em, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

     QCVN 3:2019/BKHCN quy định chất lỏng có thể tiếp xúc trong đồ chơi trẻ em không được có pH nhỏ hơn 3,0 hoặc lớn hơn 10,0. Yêu cầu này không áp dụng cho mực viết trong dụng cụ viết. Các chi tiết vải dệt có thể tiếp xúc không được chứa hàm lượng formaldehyt tự do và formaldehyt đã thủy phân vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết giấy có thể tiếp xúc không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán có thể tiếp xúc không được chứa hàm lượng formaldehyt giải phóng vượt quá 80 mg/kg.

     Đồ chơi trẻ em không được có hàm lượng các phtalat di(2-etylhexyl) phtalat (DEHP), dibutyl phtalat (DBP) hoặc butyl benzyl phtalat (BBP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat. Đồ chơi trẻ em có thể cho vào miệng không được có hàm lượng các phtalat diisononyl phtalat (DINP), diisodecyl phtalat (DIDP) hoặc di-n-octyl phtalat (DNOP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat. Hàm lượng các amin thơm (bao gồm cả dẫn xuất từ thuốc nhuộm azo trong mẫu) có trong vật liệu sản xuất đồ chơi trẻ em không được vượt quá mức quy định trong quy chuẩn này.

                                                                                                          Nguồn: vietq.vn

Tin khác