Sử dụng phân bón giả, kém chất lượng không những ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, đất đai mà còn gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân.
“Ác mộng” phân giả
Đang chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới nhưng chị Thủy (Cái Bè, Tiền Giang) vẫn không khỏi “rùng mình” khi nhớ lại vụ mùa trước đây, gia đình chị đã khốn khổ vì phân giả. Chị Thủy cho biết, gia đình chị có hơn 2 công đất làm lúa, nhưng vụ mùa vừa rồi lại lỗ nặng vì mua phải phân giả.
“Chị mua chỗ đại lý quen, phân cũng là loại hay dùng mấy vụ mùa trước. Nhưng tới lúc bón vào lúa không phát triển, lá vàng, hạt lép. Sau nhờ mấy anh kỹ sư xuống thì phát hiện ra là mình mua nhầm phân giả, kém chất lượng. Lúc đó sự đã rồi, cố gắng mua phân mới bón thúc lại nhưng tốn thêm tiền mà kết quả chẳng được bao nhiêu”, chị Thủy nhớ lại.
Đội QLTT số 4 đang kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Chợ Gạo, Tiền Giang.
Anh Trung (Châu Thành, Tiền Giang) - một nạn nhân khác của nạn phân giả, phân kém chất lượng cũng cho biết: “Lúc đấy, cây lúa đang phát, là thời điểm cần được bón phân để cây đẻ nhánh nhưng khi thúc đạm rồi vẫn thấy lúa đẻ nhánh kém, cây còi cọc, lá ngả vàng. Thế là tôi quyết định mua loại phân khác của một thương hiệu có tiếng, lúc đấy lúa mới phát triển xanh tốt trở lại. Lúc đó, tôi chỉ có thể nghi phân trước đó mình mua là phân bón giả thôi chứ không có bằng chứng nào cụ thể cả".
“Làm nghề nông vốn đã vất vả, không mang lại nhiều lợi nhuận đã thế còn phải chịu tiền lãi khi mua phân bón kém chất lượng thì quả là cơ cực. Nếu tình trạng này không được xử lý triệt để hoặc không có hướng xử lý phù hợp, người nông dân như chúng tôi còn phải “khổ dài dài”, anh Trung cho hay.
Nhiều gia đình biết mình đã mua phải phân bón giả nhưng không dám lên tiếng, một phần vì “thấp cổ bé họng”, một phần vì mua “ký sổ" nên chỉ có thể âm thầm chực chờ vào vụ sau, đến cửa hàng khác mua phân bón thương hiệu khác, với hy vọng sẽ mua đúng phân bón thật.
Hiện nay, phân bón giả, kém chất lượng đã len lỏi khắp các tỉnh thành, tập trung hầu hết ở khu vực ĐBSCL và nổi cộm nhất ở tỉnh Tiền Giang khiến nông dân vô cùng hoang mang. Bởi chi phí sản xuất ngày một gia tăng nhưng chất lượng phân bón lại không đảm bảo gây thêm tác hại cho cây trồng và đất đai.
Liên tiếp phát hiện
Thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang và các tỉnh lân cận cũng mạnh tay xử lý nhiều đại lý kinh doanh phân bón vật tư nông nghiệp không đạt chuẩn chất lượng.
Cụ thể, mới đây nhất, Đội QLTT số 4 đột xuất kiểm tra 03 cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, Đoàn ghi nhận những lỗi như: sản phẩm hết hạn sử dụng, không thực hiện niêm yết giá, trên nhãn có chữ viết không đúng bản chất về hàng hóa.
Đoàn kiểm tra lấy 07 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả, có 04 mẫu không đạt gồm 03 mẫu là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng và 01 mẫu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Tang vật vi phạm là 7,3 tấn phân bón các loại với trị giá gần 90 triệu đồng.
Qua xác minh, hoàn chỉnh hồ sơ, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã xử phạt 03 cơ sở về các hành vi vi phạm là không niêm yết giá, buôn bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng với tổng số tiền gần 125 triệu đồng.
Hay trước đó, tại huyện Cái Bè, Đội QLTT số 4 kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp nằm trên địa bàn quản lý, phát hiện cơ sở có bán thuốc bảo vệ thực vật nhưng không niêm yết giá. Ngoài ra, có 2 trên 3 mẫu không đạt với chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Tang vật vi phạm là 100 bao phân bón các loại (50kg/bao), trị giá gần 90 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra lấy mẫu phân bón tại một cơ sở kinh doanh để kiểm nghiệm chất lượng.
Tại một tỉnh khác cũng thuộc khu vực ĐBSCL, cơ sở N.H kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp địa chỉ quốc lộ 80, khu phố Ngã Ba, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, do ông Đ.B.N làm đại diện. Qua kiểm tra, Đoàn đã tiến hành lấy mẫu sản phẩm NPK 20-20-15 phân bón V.T do Công ty TNHHTMXNKPB V.T sản xuất, để gửi phân tích các chỉ tiêu về chất lượng theo quy định. Lô hàng 2.000 kg, sản xuất tại xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, NSX 01/8/2022, HSD 02 năm. Kết quả thử nghiệm, tất cả chỉ tiêu đăng ký đều không đạt chất lượng, đạt dưới 70% so với quy chuẩn đăng ký theo Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, xác định lô phân bón trên là hàng giả.
Ngay sau đó, Đội QLTT số 3 tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh cơ sở N.H về hành vi: “Buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng”, trị giá hàng hóa vi phạm tại thời điểm kiểm tra tương đương với hàng thật là 27.200.000 đồng, theo giá niêm yết tại cơ sở.
Liên quan đến sản xuất, kinh doanh phân bón giả, tháng 3/2023, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh cũng gửi báo cáo tới Bộ Nông Nghiệp & Phát triển Nông thôn về việc phát hiện nhiều mẫu phân bón giả, kém chất lượng của hàng loạt doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm phân bón, vật tư nông nghiệp.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mỗi năm nông dân tiêu thụ trên 10 triệu tấn phân bón từ hơn 1.000 cơ sở sản xuất. Trong đó, 30-50% là phân bón giả, kém chất lượng. Từ số liệu trên cho thấy, phân bón giả, kém chất lượng đã hoang phí biết bao tiền bạc, mồ hôi của người nông dân đổ xuống ruộng, biết bao gia đình không thể vượt qua cảnh nghèo túng, bao nhiêu diện tích đất đai cằn cỗi thêm mỗi mùa vụ.
Cục QLTT tỉnh Bến Tre phát hiện và xử lý một cơ sở kinh doanh nhiều sản phẩm phân bón, thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng.
Không chỉ thiệt hại về tiền, theo các chuyên gia nông nghiệp, phân bón giả, kém chất lượng còn làm cho đất không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng đến 2-3 năm sau sẽ hư tổn và khó phục hồi. Phân bón giả, kém chất lượng thường sử dụng những hóa chất, nguyên liệu không phải chất dinh dưỡng để sản xuất. Do vậy sẽ đưa vào đất chất độc hại làm thoái hóa đất, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.
Cũng theo các chuyên gia, người nông dân rất khó phân biệt được phân bón giả, kém chất lượng khi căn cứ trên bao bì, nhãn mác vì chỉ nhìn cảm quan thì phân bón giả, kém chất lượng cũng có đầy đủ logo thương hiệu, hàm lượng các chất đầy đủ. Chỉ khi sử dụng phân bón sau vài tháng, đánh giá hiệu quả sử dụng, người dân mới có thể biết hàng giả, hàng thật.
Phân bón giả, kém chất lượng luôn là nỗi lo của nông dân cũng như cả những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Trên thực tế, nhiều đại lý vì cái lợi trước mắt đã mua sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất phân bón kém chất lượng với giá thành thấp, sau đó bán với giá cao để kiếm lợi, bất chấp thiệt hại, hậu quả người nông dân phải trực tiếp gánh chịu.
Luật pháp Việt Nam cũng đã có những quy định, chế tài riêng về việc kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Theo Nghị định 55/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón, đối với cá nhân mức phạt tiền tối đa cho hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón là 100 triệu đồng; đối với tổ chức là 200 triệu đồng.
Thậm chí, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả cũng được quy định tại Bộ luật Hình sự. Theo đó, pháp luật quy định các mức xử phạt tương ứng như: phạt tù, phạt tiền đối với từng trường hợp. Quy định là thế tuy nhiên, người dân vẫn “thường xuyên” mua phải phân bón giả. Các đại lý biết rõ các loại phân bón giả, nhái, kém chất lượng nhưng vì lợi nhuận quá lớn mà chế tài xử phạt lại nhẹ nhàng nên vẫn sẵn sàng tiếp tay. Chính vì thế, cần phải có chế tài thật mạnh, tính răn đe cao hơn nữa với hành động tiếp tay của các đại lý, nhà phân phối.
Nguồn: vietq.vn