Thông tin cảnh báo
Đồ chơi cao su có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ
Món đồ chơi cao su dành cho trẻ em đang phổ biến hiện nay nhưng sản phẩm này tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe của trẻ.

     Đồ chơi cao su trong miệng trẻ có thể gây ngạt thở

     Theo New York Post ( Mỹ), một người phụ nữ đã đưa ra cảnh báo về đồ chơi trẻ em có thể gây nguy cơ nghẹt thở cho trẻ. Vấn đề này xuất phát từ trải nghiệm đáng sợ của Kendall với cháu trai.

     Kendall giải thích: "Tối nay, khi đang bế cháu trai, tôi thấy mảnh màu hồng trong miệng cháu nên đã kiểm tra kỹ. Thứ mà tôi thấy là vật thể giống viên kẹo cao su".

     Tuy nhiên, khi mẹ của cháu bé sờ quanh miệng con trai, họ nhận ra đó là miếng cao su của đồ chơi con bướm đã bị gãy. Người mẹ cho biết mảnh đồ chơi đã bị vỡ ra và dính chặt vào nướu hàm trên của con trai. Sau khi lấy mảnh vỡ ra, Kendall cho thấy nó nhỏ và nguy hiểm như thế nào nếu nuốt phải. Bài đăng cảnh báo các cha mẹ có trẻ nhỏ cần cảnh giác về món đồ chơi tương tự trong nhà.

     Kendall giải thích: "Chúng tôi chỉ muốn thông báo cho các cha mẹ những món đồ chơi này có thể có các bộ phận bị lỗi, vì chúng bị vỡ trong quá trình trẻ chơi và rơi xuống sàn để đứa trẻ nhặt được".

     Nhiều cha mẹ cũng cho biết những món đồ chơi này ngày nay rất phổ biến, vì vậy hãy chia sẻ câu chuyện để nâng cao nhận thức. Thứ này có thể dễ dàng bị nuốt phải và trở thành mối nguy hiểm gây nghẹt thở.

     Theo New York Post, các cha mẹ đã nhanh chóng loại bỏ món đồ chơi này khỏi trẻ nhỏ, đặc biệt là ở độ tuổi mà chúng tò mò và cho mọi thứ vào miệng.

     “Tôi sẽ phải để mắt đến mọi thứ. Điều này thật đáng sợ”, một phụ huynh quan tâm nói.

     “Tôi đang nghĩ về việc mua món đồ chơi này vì chúng rất phổ biến. Thật may vì tôi chưa mua nó", một người mẹ khác chia sẻ.

     Những người khác kể lại trải nghiệm của chính họ với một món đồ chơi pop-it bị hỏng. “Con gái tôi hút một lỗ tròn từ món đồ chơi đó vào mặt và tự tạo cho mình một 'vết thâm' tương tự hickey trong khoảng ba tuần”, một bà mẹ viết. 

     Một phụ huynh khác cũng chia sẻ trải nghiệm tương tự khi con gái họ cho một mảnh vỡ của chiếc pop-it vào nướu.

     Sau những câu chuyện trên, nhiều phụ huynh đề nghị món đồ chơi này cần “được kiểm tra bởi Ủy ban Người tiêu dùng và Cạnh tranh Úc (ACCC)” và nhấn mạnh chúng không phù hợp với trẻ em dưới 3 tuổi. Họ nói: "Khi mua đồ chơi, hãy luôn kiểm tra xem nó có phù hợp với độ tuổi của con hay không".

     Liên quan tới đồ chơi trẻ em, trước đó theo kết quả nghiên cứu từ Phòng Kiểm nghiệm nhựa công nghiệp của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam, các hạt nhựa màu của Trung Quốc thực chất là hạt trương nở. Khi hút no nước, thể tích của nó có thể tăng tới 300 – 400 lần. Loại hạt này sử dụng hợp chất polyacryamit rất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa và có khả năng gây ung thư.

     PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cũng đã lên tiếng cảnh báo, nếu hạt nhựa này lọt vào đường hô hấp, khi gặp nước giãn nở ra sẽ khiến trẻ bị tắc khí quản, có thể dẫn tới tử vong.

     Đồ chơi gắn nam châm nguy hiểm cho bé

     Mới đây, các bác sỹ châu Âu đã khuyến cáo tình trạng trẻ nhỏ nuốt phải các cục nam châm gắn trên các loại đồ chơi đang có xu hướng gia tăng. Theo tiến sỹ Anil Thomas George làm việc tại trung tâm Y tế của Nữ Hoàng trực thuộc Đại học Nottingham, Anh cho biết: Tình trạng khó kiểm soát trẻ em khi chơi cùng những món đồ chơi có gắn nam châm rất đáng lo ngại, bởi thông thường các món đồ chơi có giá thành rẻ thường rất dễ tháo hoặc bị rơi nam châm ra ngoài. Và điều này có thể gây nguy hiểm nếu bé nuốt phải.

     Những cảnh báo tương tự cũng được đưa ra tại Mỹ và Canada, những nước hạn chế sản xuất và nhập khẩu các món đồ chơi nguy hiểm, có từ tính nhiều năm gần đây. “Trách nhiệm thuộc về những nhà sản xuất đồ chơi. Họ phải có ý thức báo động tới các bậc cha mẹ về sự nguy hại của các miếng nam châm có gắn trên sản phẩm của mình” – trích lời tiến sỹ George.

     Theo đó, từ năm 2008, Liên minh châu Âu đã ra đạo luật yêu cầu các món đồ chơi có từ tính, gắn nam châm đều phải in khuyến cáo về những tác hại có thể xảy ra đối với sức khỏe và sự an toàn của trẻ nhỏ.

     Quy chuẩn Quốc gia QCVN 3:2019/BKHCN về an toàn đồ chơi trẻ em

     Quy chuẩn kỹ thuật này quy định các yêu cầu an toàn đối với đồ chơi trẻ em, các phương pháp thử tương ứng và yêu cầu về quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.

     Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ đồ chơi trẻ em, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Theo đó Quy chuẩn Quốc gia QCVN 3:2019/BKHCN yêu cầu an toàn đối với đồ chơi trẻ em gồm: 

     Yêu cầu an toàn về cơ lý: Yêu cầu an toàn về cơ lý theo TCVN 6238-1:2017 (ISO 8124-1:2014), An toàn đồ chơi trẻ em - Phần 1: Các yêu cầu an toàn liên quan đến tính chất cơ lý.

     Yêu cầu an toàn về tính cháy: Yêu cầu an toàn về tính cháy theo TCVN 6238-2:2017 (ISO 8124-2:2014), An toàn đồ chơi trẻ em - Phần 2: Tính cháy.

     Yêu cầu an toàn về hóa học: Giới hạn mức thôi nhiễm của một số nguyên tố độc hại theo TCVN 6238-3:2011 (ISO 8124-3:2010), An toàn đồ chơi trẻ em - Phần 3: Giới hạn mức thôi nhiễm của một số nguyên tố độc hại.

     Yêu cầu về chất lỏng trong đồ chơi trẻ em: Chất lỏng có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được có pH nhỏ hơn 3,0 hoặc lớn hơn 10,0. Yêu cầu này không áp dụng cho mực viết trong dụng cụ viết.

     Formaldehyt trong đồ chơi dành cho trẻ em dưới 3 tuổi: Các chi tiết bằng vải dệt có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết bằng giấy có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 80 mg/kg.

     Phtalat trong đồ chơi trẻ em: Đồ chơi trẻ em không được có hàm lượng các phtalat di(2-etylhexyl) phtalat (DEHP), dibutyl phtalat (DBP) hoặc butyl benzyl phtalat (BBP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat.

     Đồ chơi trẻ em có thể cho vào miệng không được có hàm lượng các phtalat diisononyl phtalat (DINP), diisodecyl phtalat (DIDP) hoặc di-n-octyl phtalat (DNOP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat.

      Amin thơm trong đồ chơi trẻ em: Hàm lượng của các amin thơm (bao gồm cả các dẫn xuất từ thuốc nhuộm azo trong mẫu) có trong vật liệu đồ chơi hoặc bộ phận của đồ chơi không được vượt quá các mức được quy định trong Bảng 1. 

     Quy định về hàm lượng các amin thơm áp dụng đối với các loại vật liệu đồ chơi và bộ phận của đồ chơi được nêu trong Bảng 2.

     Yêu cầu an toàn đối với đồ chơi trẻ em sử dụng điện: Đồ chơi trẻ em không được dùng nguồn điện có điện áp danh định vượt quá 24 V và không một bộ phận nào trong đồ chơi trẻ em có điện áp danh định hoặc tức thời vượt quá 24 V.

     Các bộ phận trong đồ chơi trẻ em nếu được nối hoặc có thể tiếp xúc với nguồn điện có điện áp danh định vượt quá giới hạn nêu trên cũng như các dây dẫn, cáp điện nối đến các bộ phận phải được cách điện và bảo vệ thích hợp để ngăn ngừa các rủi ro về điện.

     Yêu cầu ghi nhãn: Đồ chơi trẻ em phải có nhãn hàng hóa theo đúng quy định hiện hành. Nội dung ghi nhãn phải rõ ràng, dễ đọc, khó tẩy xóa và phải theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

                                                                                                                                  Nguồn: vietq.vn
Tin khác