Tin tức sự kiện
Kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước sinh hoạt
Trường hợp nước sạch sinh hoạt cung cấp không đảm bảo chất lượng, người dân có quyền kiến nghị yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước xử lý theo quy định của pháp luật.

     Theo số liệu thống kê của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, đến tháng 6/2023, cả nước có khoảng 4.500 hệ thống công trình cho cả đô thị và nông thôn với công suất đến khoảng 11 triệu m3, đang khai thác hằng ngày khoảng 8,3 triệu m3, tập trung chủ yếu là khai thác nguồn nước mặt (chiếm 87%) và nước ngầm (chiếm 13%).

     Tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41%, với 883 đô thị. Trong đó, giai đoạn 2011-2020 về cấp nước đô thị cơ bản hoành thành những mục tiêu, định hướng phát triển được đề ra. Năm 2020, tổng công suất các nhà máy nước khoảng 10,9tr m3/ngày, tỷ lệ cấp nước đô thị đạt trên 89%; đến năm 2022 đã tăng tổng công suất các nhà máy nước lên khoảng 12,6 triệu m3/ngày. Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch tăng lên 95%.

     Về chất lượng nước sinh hoạt hiện nay, PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho hay, nhiều khu vực tại đô thị đang phải đối mặt với nỗi lo về chất lượng nước sinh hoạt. Mặc dù đã có những quy chuẩn về chất lượng nước nhưng việc tuân thủ quy chuẩn này vẫn còn bỏ ngỏ.

Ảnh minh hoạ

     “Chúng ta cần đảm bảo nguồn nước đạt tiêu chuẩn cho người dân. Vấn đề an ninh quốc gia là cần đảm bảo nguồn nước cho người dân trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp...; đảm bảo chất lượng nguồn nước cho cả thành thị và nông thôn”, PGS. TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

     Còn theo PGS. TS Phạm Ngọc Châu, theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế nguồn nước cung cấp phải hợp vệ sinh là đảm bảo chất lượng và số lượng. Hiện nay, giám sát chất lượng nước đã có các cơ quan chuyên ngành. Tuy nhiên về thực tế, chúng ta nên có hệ thống cảnh báo thường xuyên chứ không phải có vấn đề mới đem mẫu nước đi xét nghiệm. Bên cạnh đó, chỉ số chất lượng nước nên được công khai minh bạch để bên cung cấp nước có thể có những phương pháp nghiên cứu và thay đổi chất lượng nước.

     PGS. TS Phạm Ngọc Châu cho rằng, đa số hợp đồng cung cấp nước tại các đô thị đều không có danh mục tiêu chuẩn về chất lượng nước. Cùng với đó, hệ thống phân phối nước có vai trò thế nào trong vấn đề chất lượng nước chưa rõ ràng. Hệ lụy của vấn đề tài nguyên nước vô cùng lớn, có những vấn đề tác động trực tiếp. Một là vấn đề cảm quan khi gặp sự cố về hệ thống phân phối nước sẽ có cặn lắng, bùn đất ảnh hưởng đến ăn uống, sinh hoạt của người dân. Thứ hai, nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật vào trong hệ thống nguồn nước sinh hoạt. Điều đó sẽ gây những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng, ví dụ như có thể gây ra dịch tả, tiêu chảy...

     Theo Luật sư Nguyễn Văn Cường, đối với vấn đề không đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt phải được phát hiện kịp thời và xử lý vi phạm nghiêm minh. Trường hợp không đảm bảo cung cấp, gây thiếu nước là vấn đề tranh chấp dân sự giữa bên cung cấp nước sạch và người sử dụng, các hộ dân có quyền yêu cầu đơn vị cung cấp nước sạch cung cấp nước nhanh chóng trở lại; bồi thường thiệt hại khi phát hiện không thực hiện theo như hợp đồng như thỏa thuận. Nếu nước sạch sinh hoạt cung cấp không đảm bảo chất lượng, người dân có quyền kiến nghị yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước xử lý theo quy định của pháp luật.

     Nếu nhận định cảm quan thấy chất lượng nước không đảm bảo an toàn, người dân có quyền khiếu nại, khiếu kiện và cơ quan chức năng vào cuộc. Nếu nhà cung cấp nước sạch biết nguồn nước không đảm bảo nhưng vẫn cố ý cung cấp cho người dân biết hậu quả xảy ra khiến người dân ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, có thể gây chết người nhưng vẫn bỏ mặc đây là lỗi cố ý là vấn đề trách nhiệm hình sự và là trách nhiệm của nhà cung cấp.

                                                                                                                                  Nguồn: vietq.vn
Tin khác