Thông tin cảnh báo
Công ty Cổ phần Sơn Samaki-X Việt Nam: Dấu hiệu giả mạo chứng nhận hợp quy?
Công ty Cổ phần Sơn Samaki-X Việt Nam có dấu hiệu sử dụng trái phép dấu chứng nhận trên sản phẩm sơn Samaki.

     Sản phẩm sơn bắt buộc phải chứng nhận hợp quy

     QCVN 16 là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Đến nay quy chuẩn này đã trải qua nhiều phiên bản (QCVN 16:2014/BXD, QCVN 16:2017/BXD, QCVN 16:2019/BXD, QCVN 16:2023/BXD). Theo quy định tại QCVN 16, sơn tường dạng nhũ tương là loại sơn cần phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy rồi mới đưa ra thị trường.

     QCVN 16 cũng nêu rõ, sơn tường dạng nhũ tương khi lưu thông trên thị trường phải có giấy chứng nhận hợp quy, giấy công bố hợp quy và/hoặc thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của Sở Xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh. Dấu hợp quy được sử dụng trực tiếp trên sản phẩm hoặc bao gói, nhãn gắn trên sản phẩm hoặc trong chứng chỉ chất lượng, tài liệu kỹ thuật của sản phẩm.

Website quảng cáo các sản phẩm sơn của Công ty Cổ phần Sơn Samaki-X Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối sơn, khi sản phẩm sơn được chứng nhận theo QCVN 16 có nghĩa sản phẩm đó có các chỉ tiêu chất lượng đảm bảo phù hợp quy định trong quy chuẩn. Điều này tạo lòng tin cho khách hàng, góp phần nâng cao uy tín doanh nghiệp; giúp người sản xuất, kinh doanh hoặc nhập khẩu dễ dàng mở rộng thị trường và thuyết phục khách hàng chấp nhận sản phẩm.

     Việc chứng nhận hợp quy cho sản phẩm nhằm khẳng định và thể hiện sự tuyên bố với cộng đồng về trách nhiệm của người sản xuất và kinh doanh đối với sản phẩm, hàng hóa. Doanh nghiệp thực hiện đầy đủ thủ tục chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy có nghĩa là tuân thủ và chấp hành quy định pháp luật trong lĩnh vực mà đơn vị tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh.

     Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong ngành sơn đã luôn nỗ lực phấn đấu để cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cho ra thị trường nhiều sản phẩm phù hợp với quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Nhiều doanh nghiệp còn mạnh dạn thay đổi quá trình sản xuất, từng bước áp dụng các quy chuẩn tiên tiến với mục tiêu đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng tốt. Kết quả là nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đáp ứng quy chuẩn chất lượng, được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế.

     Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp còn thờ ơ cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nên chỉ đưa ra thị trường những sản phẩm kém hoặc chất lượng hạn chế. Thậm chí, có doanh nghiệp “thổi phồng” chất lượng sản phẩm để lừa dối đối tác, khách hàng, người tiêu dùng về sản phẩm đang cung cấp. Một trong những hành vi hết sức nguy hiểm, đáng lên án là việc giả mạo giấy chứng nhận hợp quy.

     Sử dụng trái phép dấu chứng nhận

     Thời gian qua, toà soạn Chất lượng Việt Nam nhận được phản ánh về việc Công ty Cổ phần Sơn Samaki-X Việt Nam (chủ sở hữu thương hiệu sơn Samaki) có dấu hiệu sử dụng trái phép dấu chứng nhận hợp quy (dấu CR) trên sản phẩm sơn của công ty này. Công ty Cổ phần Sơn Samaki-X Việt Nam có địa chỉ tại Khu Đồng Huỳnh, Xã Vĩnh Quỳnh, Huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Phạm Văn Khuyến.

     Trên website Công ty Cổ phần Sơn Samaki-X Việt Nam đang đăng thông tin quảng cáo rất nhiều loại sơn nội thất và ngoại thất. Điều đáng chú ý là trên vỏ thùng sơn có dấu chứng nhận hợp quy (theo QCVN 16:2017/BXD) và logo thuộc quyền sở hữu của Công ty Cổ phần chứng nhận quốc tế (ICB).

     Nhìn vào hình ảnh này, người tiêu dùng rất dễ lầm tưởng sản phẩm sơn của Công ty Cổ phần Sơn Samaki-X Việt Nam đã được phía ICB cấp chứng nhận hợp quy theo QCVN 16:2017/BXD nên mới có dấu chứng nhận và logo để dán lên vỏ thùng sơn. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), đại diện Công ty Cổ phần chứng nhận quốc tế (ICB) cho biết, ICB chưa từng có hợp tác, tiến hành đánh giá hay chứng nhận hợp quy cho bất kỳ sản phẩm sơn nào do Công ty Cổ phần Sơn Samaki-X Việt Nam sản xuất và phân phối.

Một sản phẩm sơn nội thất của Công ty Cổ phần Sơn Samaki-X Việt Nam.

     Lần theo số điện thoại niêm yết trên website của Công ty Cổ phần Sơn Samaki-X Việt Nam, phóng viên được biết có một người đàn ông (tên zalo Phạm Thanh) phụ trách đường dây nóng của công ty này. Thông qua một khách hàng có nhu cầu sử dụng sản phẩm sơn Samaki, phóng viên đã trực tiếp được quan sát sản phẩm sơn Samaki mà phía Công ty Cổ phần Sơn Samaki-X Việt Nam cung cấp.

     Hình ảnh thực tế cho thấy, trên vỏ thùng sơn Samaki hiện đang có dấu chứng nhận hợp quy, logo thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần chứng nhận quốc tế (ICB). Điều đáng nói là dấu hợp quy theo QCVN 16:2017/BXD được in trên sản phẩm sơn Samaki cũng không có giá trị, bởi QCVN 16:2017/BXD đã hết hiệu lực từ rất lâu.

     Vậy vì sao Công ty Cổ phần Sơn Samaki-X Việt Nam lại sử dụng dấu hợp quy, logo thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần chứng nhận quốc tế (ICB)? Đây có phải là hành vi gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng? Sản phẩm sơn của Công ty Cổ phần Sơn Samaki-X Việt Nam có đảm bảo chất lượng hay không? 

     Nhằm thông tin khách quan về sự việc, phóng viên đã liên hệ tới Công ty Cổ phần Sơn Samaki-X Việt Nam. Phía công ty này hiện chưa có phản hồi gì liên quan tới sự việc.

Công ty Cổ phần Sơn Samaki-X Việt Nam có dấu hiệu sử dụng trái phép dấu hợp quy (dấu CR) và logo của ICB để in trên thùng sơn.

Liên quan tới vấn đề trên, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2007 quy định rõ hành vi bị cấm bao gồm: Cố tình cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả thử nghiệm, kiểm tra, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Khoản 6 Điều 8); Giả mạo hoặc sử dụng trái phép dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, các dấu hiệu khác về chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Khoản 7 Điều 8); Thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa (Khoản 9 Điều 8).

     Khoản 1 Điều 24 Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá cũng quy định rõ: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, không trung thực về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng.

     Khoản 1 Điều 341 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018), được sửa đổi bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

     Phóng viên đã cố gắng liên hệ tới Công ty Cổ phần Sơn Samaki-X Việt Nam để làm rõ những nội dung liên quan đến sự việc, tuy nhiên, hiện công ty này chưa có phản hồi chính thức về sự việc. Đối với sự việc nêu trên, đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc xác minh, xử lý.

     Sản phẩm không chứng nhận hợp quy có thể bị thu hồi

     Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Nghị định 126/2021/NĐ-CP quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử quy định rõ:

     Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:

     - Không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy;

     - Không đăng ký hồ sơ công bố hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền;

     - Không sử dụng dấu hợp quy, sử dụng dấu hợp quy không đúng quy định đối với sản phẩm, hàng hóa đã được công bố hợp quy theo quy định khi đưa ra lưu thông trên thị trường;

     - Không tự thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời khi phát hiện hàng hóa của mình đang lưu thông hoặc đã đưa vào sử dụng có chất lượng không phù hợp công bố hợp quy hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

     - Không thực hiện lại việc công bố khi có sự thay đổi về nội dung của hồ sơ công bố hợp quy đã đăng ký hoặc có sự thay đổi về tính năng, công dụng, đặc điểm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã công bố hợp quy;

     - Sử dụng chất phụ gia, hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng hoặc chưa được phép sử dụng trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa, trừ trường hợp trong sản xuất, pha chế thực phẩm;

     Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:

     - Không thực hiện đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng phải áp dụng một trong các biện pháp sau: Chứng nhận hoặc giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc thừa nhận theo quy định pháp luật; tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân;

     - Không thực hiện chứng nhận hợp quy trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải chứng nhận hợp quy bởi tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được chỉ định theo quy định pháp luật hoặc sử dụng giấy chứng nhận hợp quy, dấu hợp quy đã hết hiệu lực.

     Phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền.

     Biện pháp khắc phục hậu quả theo thứ tự ưu tiên như sau:

     - Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu;

     - Buộc thu hồi và tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng;

     - Buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, thủy sản nuôi, cây trồng và môi trường.

                                                                                                        Nguồn: vietq.vn

Tin khác