Thông tin cảnh báo
Mũ bảo hiểm giả, không đạt tiêu chuẩn chất lượng bán tràn lan
Mặc dù Việt Nam đã thành công trong việc duy trì tỷ lệ người sử dụng mũ bảo hiểm khá cao từ nhiều năm nay, nhưng việc người dân sử dụng mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn an toàn vẫn tràn lan.

     Mũ giả mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn chất lượng bán khắp nơi

     Theo ghi nhận của báo Giáo dục thời đại, tại Hà Nội, TP. HCM cũng như nhiều địa phương khác, không khó để bắt gặp những sạp mũ bảo hiểm bày bán trên khắp vỉa hè, lòng đường.

     Qua quan sát, nhiều mũ giả mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn, bởi nó có những đặc điểm như không đầy đủ bộ phận, cấu tạo lớp vỏ bên ngoài, không có tem nhãn xuất xứ và chưa được kiểm định cũng như dán tem hợp quy CR. Tuy nhiên, nhiều người vẫn ưa thích sử dụng những chiếc mũ “thiếu chất lượng” nhưng “thừa thời trang” này.

Mũ giả mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn bán tràn lan. Ảnh minh họa

Mặc dù những năm qua, các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tác hại của việc đội mũ bảo hiểm kém chất lượng đối với người tham gia giao thông. Các ngành chức năng cũng liên tục tổ chức những đợt kiểm tra các điểm kinh doanh mũ bảo hiểm, phát hiện và thu giữ số lượng lớn mũ bảo hiểm “rởm”. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra, và dường như không có hồi kết.

     Từ thực tế kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái, ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường thành phố Hà Nội thừa nhận: “Hiện vẫn còn tồn tại một số cá nhân bày bán mũ bảo hiểm, mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm trên vỉa hè không có giấy đăng ký kinh doanh, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có dấu hợp quy, không niêm yết giá bán, không có dán nhãn, ghi nhãn không đầy đủ và có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm gây nhầm lẫn cho người dân. Hiện tượng này xuất hiện ở ven tuyến quốc lộ 70, đường gom đại lộ Thăng Long, gầm cầu Thăng Long thuộc địa phận xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội".

     Theo báo cáo gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, tỷ lệ người tham gia giao thông đội mũ giả mạo mũ bảo hiểm (mũ lưỡi trai nhựa) khá cao, trung bình khoảng 20% trên cả nước, tại một số thành phố lớn như Hà Nội thậm chí tới 40% (số liệu dựa trên 2,5 triệu quan sát thực tế người tham gia giao thông trên toàn quốc). Đặc biệt tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của trẻ em trên sáu tuổi ngồi trên mô tô xe máy còn thấp (60-80%), trong khi đây là đối tượng dễ bị tổn thương.

     Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra, đội mũ bảo hiểm chất lượng tốt có thể làm giảm 69% chấn thương sọ não và giảm 42% khả năng tử vong đối với người ngồi trên mô tô xe máy khi xảy ra va chạm giao thông. Những người không đội mũ bảo hiểm sẽ có rủi ro gặp chấn thương nặng và tử vong cao gấp 3 lần so với người đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn. WHO khuyến cáo tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, nên xây dựng các tiêu chuẩn quy chuẩn phù hợp năng lực của nhà sản xuất, chi phí và điều kiện khí hậu.

     Thế nào là mũ bảo hiểm đạt chuẩn? 

     Căn cứ mục 2 Quy chuẩn quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN, mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy là mũ có đầy đủ các đặc tính kỹ thuật. Mũ phải có 03 bộ phận: vỏ mũ; đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo.

     Mũ phải có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu: Mũ che nửa đầu có kết cấu bảo vệ phần đầu phía trên của người đội mũ; Mũ có kết cấu bảo vệ phần phía trên của đầu, vùng chẩm và vùng tai của người đội mũ; Mũ có kết cấu bảo vệ phần phía trên của đầu, vùng chẩm, vùng tai và cằm của người đội mũ.

     Lưu ý, các loại mũ có thể có kính che hoặc không có kính che. Nếu có lưỡi trai mềm gắn liền với vỏ mũ hoặc lưỡi trai rời tháo lắp được. Độ dài của lưỡi trai tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai ≤ 70mm; Góc nghiêng của lưỡi trai không được làm ảnh hưởng đến góc nhìn.

     Nếu có lưỡi trai cứng gắn liền với vỏ mũ thì độ dài của lưỡi trai cứng tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai ≤ 50mm; Góc nghiêng của lưỡi trai không được làm ảnh hưởng đến góc nhìn. Nếu có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20mm.

     Mũ phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp QCVN 2:2008/BKHCN; được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật. Nhãn phải được ghi một cách rõ ràng, bền vững (không phai mờ) trên bề mặt trong hoặc ngoài mũ.

     Nhãn của mũ phải bao gồm các thông tin sau: Tên sản phẩm phải có cụm từ “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”; Tên và địa chỉ cơ sở sản xuất (đối với mũ sản xuất trong nước)/ Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu và phân phối (đối với mũ nhập khẩu); Xuất xứ hàng hóa (đối với mũ nhập khẩu); Cỡ mũ; Tháng, năm sản xuất.

                                                                                                                                       Nguồn: vietq.vn

Tin khác