Tin trong ngành
Nghiên cứu sửa đổi quy định về chứng nhận hợp quy thuốc thú y
Cục Thú y cho biết sẽ nghiên cứu đề xuất theo hướng giãn thực hiện quy định chứng nhận hợp quy thuốc thú y vì chưa thể bãi bỏ.

     Tháng 8/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 18/2018/TT-BNNPTNT quy định phương thức chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm thuốc thú y và Thông tư số 10/2018/TT-BNNPTNT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc thú y (QCVN 01-187:2018/BNNPTNT).

     Hai Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 14/02/2019. Điều đó có nghĩa là từ ngày 14/02/2019, tất cả sản phẩm thuốc thú y phải được chứng nhận và công bố hợp quy theo QCVN 01-187:2018/BNNPTNT. Tuy nhiên, hai Thông tư nêu trên vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y, cho rằng quy định công bố hợp quy tạo thêm gánh nặng chi phí kinh doanh rất lớn, trong khi đó hiệu quả quản lý không lớn, không giúp được việc kiểm soát chất lượng thuốc thú y. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhiều lần phải cho lùi thời hạn thực hiện hai Thông tư này.

     Ông Bạch Quốc Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thú y xanh Việt Nam, đại diện Hiệp hội Sản xuất - Kinh doanh thuốc Thú y Việt Nam kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu bãi bỏ quy định này. Nếu chưa bãi bỏ được thì tiếp tục cho hoãn việc thực hiện thủ tục hợp quy với thuốc thú y.

     Theo ông Thắng, thủ tục hợp quy còn trùng lắp với các thủ tục khác, gây lãng phí về nguồn lực, chi phí cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Trong khi đó, các nước trên thế giới hiện không có quy định thủ tục hợp quy.

     Về vấn đề này, ông Lê Toàn Thắng, Trưởng phòng Thuốc Thú y, Cục Thú y cho biết việc áp dụng quy định hợp quy thuốc thú y sẽ thực hiện vào tháng 4/2024. Trên tinh thần tiếp thu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Cục Thú y sẽ nghiên cứu đề xuất theo hướng giãn thực hiện vì chưa thể bãi bỏ. Bởi quy định hợp quy còn liên quan đến Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2007.

     Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cũng cho hay, đây là vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vụ Pháp chế sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sớm sửa đổi quy định này.

Ảnh minh hoạ

 Kiểm soát chất lượng thuốc thú y còn nhiều hạn chế

     Theo Cục Thú y, hiện nay có hơn 16.300 sản phẩm thuốc thú y đã đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Trong đó, hơn 11.800 sản phẩm thuốc sản xuất trong nước của 150 nhà sản xuất (10.051 sản phẩm thuốc thú y; 182 sản phẩm vaccine; 1.586 sản phẩm thuốc thú y thủy sản) và 4.525 sản phẩm thuốc thú y nhập khẩu.

     Ông Lê Toàn Thắng cho hay bình quân mỗi năm có khoảng 700 - 800 hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y (cho các sản phẩm mới), chưa kể phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong khi đó, việc bố trí nhân sự quản lý thuốc thú y của Cục Thú y còn hạn chế và khó khăn, khi chỉ có 5 cán bộ được phân công về công tác quản lý thuốc. Nhân sự của các Trung tâm chuyên ngành về thuốc thú y (gồm Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương I, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương II) còn hạn hẹp.

     Cục Thú y cũng chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí nguồn kinh phí thường xuyên hằng năm cho việc lấy mẫu thuốc dược phẩm, vaccine lưu hành trên thị trường để kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc thú y. Do đó, có những năm, nhiều địa phương không thanh tra, kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc thú y.

     Cả nước hiện có hơn 17.700 cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc thú y. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, thanh tra cơ sở buôn bán thuốc thú y lại thiếu đồng bộ và không thống nhất tại các tỉnh, thành phố. Trong khi đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp tỉnh hiện không đủ biên chế công chức nên việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành gặp rất nhiều khó khăn.

     Cục Thú y cũng chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập ở địa phương khi vẫn còn tình trạng vi phạm trong buôn bán thuốc thú y, đặc biệt là vi phạm về chất lượng sản phẩm; ghi nhãn sản phẩm không đúng nội dung đã đăng ký; buôn bán thuốc thú y nhập lậu, thuốc cấm sử dụng, không có trong danh mục được phép lưu hành; bán thuốc cho đối tượng sử dụng không đúng quy định (thuốc đăng ký lưu hành dùng cho động vật trên cạn nhưng lại dán nhãn hướng dẫn sử dụng cho động vật thủy sản, bán thuốc Enrofloxacine của thuốc thú y trên cạn cho người nuôi trồng thủy sản sử dụng).

     Song song với việc buôn bán thuốc thú y tại các cửa hàng, địa điểm cố định được kiểm soát, Cục Thú y cho biết vẫn còn tình trạng lực lượng tiếp thị của các công ty kinh doanh trực tiếp liên hệ với các cơ sở chăn nuôi cung cấp thuốc phòng, trị bệnh không qua quản lý của các cơ quan địa phương.

     Đặc biệt, các sản phẩm hóa chất dùng trong thú y có tác dụng sát trùng, khử trùng, tiêu độc khi sản xuất phải đáp ứng điều kiện sản xuất hóa chất dùng trong thú y và đăng ký là thuốc thú y. Tuy nhiên, các công ty sản xuất công bố theo tiêu chuẩn cơ sở dưới dạng các chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản và gọi là thuốc thú y gây hiểu nhầm, nhầm lẫn về sản phẩm.

     Thậm chí, các doanh nghiệp đang lách luật khi kinh doanh thuốc thú y ngoài danh mục, do cơ sở sản xuất ghi nhãn là thức ăn chăn nuôi và chỉ công bố tiêu chuẩn chất lượng. Do đó, cần phải có những quy định rõ ràng hơn trong đăng ký, quản lý, thanh kiểm trả thuốc thú y.

                                                                                                                                    Nguồn: vietq.vn
Tin khác