Tin trong ngành
Vẫn còn vi phạm về đo lường: Hàng đóng gói sẵn cần đáp ứng những yêu cầu gì?
heo Điều 3 Thông tư 21/2014/TT-BKHCN, hàng đóng gói sẵn nhóm 2 phải mang dấu định lượng trên nhãn hàng hóa sau khi cơ sở sản xuất, nhập khẩu được chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng.

     Nhiều vi phạm trong công tác đo lường đối với lượng hàng hóa đóng gói sẵn

     Những năm gần đây, sản xuất hàng hoá nói chung, hàng hoá đóng gói sẵn nói riêng ở Việt Nam đang ngày càng phát triển cả về mẫu mã và chất lượng, phù hợp với xu thế hội nhập nền kinh tế thế giới.

     Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đó đã nảy sinh không ít bất cập, cụ thể là các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hoá, mã số mã vạch, sở hữu công nghiệp của một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn, có một số vụ ở mức độ nghiêm trọng.

     Các vi phạm phổ biến là hàng đóng gói sẵn có định lượng thực tế không đủ so với lượng ghi trên bao bì, không ghi nhãn hay nhãn hàng hoá ghi không đúng qui định, không công bố tiêu chuẩn áp dụng; chất lượng, sản phẩm, hàng hoá không đạt mức chất lượng tiêu chuẩn công bố, sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, sử dụng mã số mã vạch nhưng chưa có chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch do cơ quan có thẩm quyền cấp, tự ý sử dụng mã số mã vạch của người khác… Những vi phạm này đã ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và xã hội.

     Cụ thể, thời gian qua trong công tác đấu tranh hành vi vi phạm về đo lường đối với sản phẩm hàng hóa đóng gói sẵn, lực lượng chức năng các tỉnh đã phát hiện không ít sai phạm. Điển hình, Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ tiến hành kiểm tra đối với Công ty TNHH thương mại, sản xuất và xuất nhập khẩu MAYAN, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ do bà N.T.H là người đại diện pháp luật làm Giám đốc. Qua thực tế kiểm tra phát hiện bà N.T.H đang sử dụng trang Website thương mại điện tử tại địa chỉ: mayan.com.vn để giới thiệu bán hàng, có chức năng đặt hàng trực tuyến nhưng chưa thông báo với Bộ Công Thương theo quy định.

     Đối với hàng hóa, Công ty TNHH thương mại, sản xuất và xuất nhập khẩu MAYAN sản xuất nước giặt cao cấp MAYAN đóng can: Loại 10L/can, số lượng 70 can; loại 4L/can, số lượng 304 can là hàng hóa chất lỏng có nhãn ghi theo đơn vị đo thể tích nhưng thực tế trên nhãn hàng hóa ghi khối lượng: 10L, 4L. Lượng của hàng hóa đóng gói sẵn ghi không phù hợp yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan có thẩm quyền quy định.

     Tiếp đến, vào chung tuần tháng 6/2023, Đoàn Thanh tra Sở KH&CN tỉnh Bình Định thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về đo lường và nhãn hàng hóa tại 37 cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn trên địa bàn tỉnh. Kết quả có 1 cơ sở vi phạm quy định về nhãn hàng hóa bị xử phạt vi phạm hành chính 4 triệu đồng.

Hàng đóng gói sẵn nhóm 2 phải bắt buộc mang dấu định lượng. (Ảnh minh họa)

 Tại tỉnh Ninh Bình, qua kiểm tra, hầu hết cơ sở đã thực hiện lưu giữ hồ sơ công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy; hồ sơ chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý chất lượng... Tuy nhiên vẫn còn một số cơ sở (sản xuất bánh kẹo) việc ghi nhãn còn thiếu nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa và 01 cơ sở sản xuất xi măng có số đơn vị HĐGS không phù hợp theo quy định. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các cơ sở nêu trên ngừng sử dụng đối với nhãn hàng hóa ghi còn thiếu nội dụng bắt buộc, khắc phục tồn tại và thực hiện biện pháp kiểm soát về đo lường để đảm bảo lượng của hàng đóng gói sẵn đạt yêu cầu và nội dung ghi nhãn đúng quy định trước khi hàng hóa được lưu thông ra thị trường.

     Ngày 8/6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tỉnh Sơn La phát hiện và xử lý cơ sở kinh doanh Hải Linh sản xuất, kinh doanh mặt hàng kem sữa với nhiều lỗi vi phạm gồm: Buôn bán hàng đóng gói sẵn không ghi lượng trên nhãn hàng hóa theo quy định; sản xuất kinh doanh thực phẩm không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; sử dụng người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm bao gồm bốn nhân viên không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm đã vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh.

     Yêu cầu về ghi lượng của hàng đóng gói sẵn trên nhãn hàng hóa

     Theo Điều 3 Thông tư 21/2014/TT-BKHCN hàng đóng gói sẵn là hàng hóa được định lượng theo đơn vị đo khối lượng, thể tích, diện tích, chiều dài hoặc số đếm, được đóng gói và ghi định lượng trên nhãn hàng hóa mà không có sự chứng kiến của bên mua. 

     Theo Luật Đo lường năm 2011, hàng đóng gói sẵn được phân loại thành 2 nhóm: Hàng đóng gói sẵn nhóm 1 được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân công bố; phải đáp ứng yêu cầu cơ bản quy định tại Điều 32, Điều 33 và được mang dấu định lượng trên nhãn hàng hóa do tổ chức, cá nhân đó tự quyết định. Hàng đóng gói sẵn nhóm 2 là hàng đóng gói sẵn có số lượng lớn lưu thông trên thị trường hoặc có giá trị lớn, có khả năng gây tranh chấp, khiếu kiện về đo lường giữa các bên trong mua bán, thanh toán, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, môi trường thuộc Danh mục hàng đóng gói sẵn nhóm 2 quy định tại Điều 6 của Thông tư này. Theo đó, hàng đóng gói sẵn nhóm 2 phải đáp ứng Điều 32, Điều 33, Điều 34 và bắt buộc phải mang dấu định lượng. Cụ thể:

     Lượng của hàng đóng gói sẵn được ghi trên nhãn hàng hóa là lượng danh định (Qn) và phải được ghi bằng cách in, gắn hoặc dán trực tiếp trên hàng đóng gói sẵn hoặc trên bao bì, nhãn của hàng đóng gói sẵn. Vị trí ghi lượng danh định phải dễ thấy, dễ đọc trong điều kiện trưng bày thông thường của hoạt động buôn bán.

     Trường hợp phía trước của Qn ghi “khối lượng tịnh" hoặc “thể tích thực" thì không được phép ghi “khoảng” hoặc “nhỏ nhất” như: khối lượng tịnh khoảng hoặc thể tích thực nhỏ nhất. Lượng danh định được ghi bằng trị số và đơn vị đo pháp định hoặc theo số đếm; giữa trị số và đơn vị đo phải cách nhau một ô trống.

     Ghi lượng danh định của hàng đóng gói sẵn theo đơn vị đo khối lượng hoặc thể tích. Đối với hàng đóng gói sẵn là chất rắn, khí hóa lỏng, hàng đông lạnh, hàng đóng gói sẵn dạng bình phun, xịt (aerosols) hoặc có hàng hóa chứa cùng khí nén ghi theo đơn vị đo khối lượng; hàng hóa là chất lỏng ghi theo đơn vị đo thể tích và hàng hóa ở dạng sệt hoặc hàng hóa khác: ghi theo đơn vị đo khối lượng hoặc thể tích.

     Khi 01 đơn vị hàng đóng gói sẵn chứa 02 hay nhiều bao, gói hàng đóng gói sẵn cùng loại với cùng lượng danh định có thể dùng để bán lẻ, phải ghi tổng lượng danh định của đơn vị hàng đóng gói sẵn, số lượng bao, gói và lượng danh định của 01 bao, gói hàng đóng gói sẵn. Khi 01 đơn vị hàng đóng gói sẵn chứa 02 hay nhiều bao, gói hàng đóng gói sẵn không cùng loại, phải ghi tên, số lượng bao hoặc gói và lượng danh định của từng loại hàng đóng gói riêng lẻ. Đối với hàng đóng gói sẵn chứa trong dung môi, phải ghi lượng ráo nước và ghi khối lượng tổng trên nhãn hàng hóa.

     Yêu cầu về hình dáng, kích thước và các yêu cầu khác của bao hàng đóng gói sẵn

     Bao hàng đóng gói sẵn không được có hình dáng, kích thước và cấu trúc khác như đáy phụ, vách ngăn, nắp phụ, tấm phủ phụ gây nhầm lẫn hoặc lừa dối người mua về lượng của hàng đóng gói sẵn chứa trong bao hàng. Hàng đóng gói sẵn phải điền đầy đủ thể tích của bao bì trừ trường hợp phải có sự khác biệt giữa thể tích của bao bì với thể tích của hàng đóng gói sẵn chứa trong bao bì đó do một hoặc các nguyên nhân như: để bảo vệ hàng đóng gói sẵn; do yêu cầu vận hành của thiết bị được dùng để bao gói hàng đóng gói sẵn; do yêu cầu của việc vận chuyển hàng đóng gói sẵn; do bản chất của hàng đóng gói sẵn (bao hàng đóng gói sẵn dạng bình xịt, có chứa khí nén...).

     Trường hợp lượng của hàng đóng gói sẵn được ghi tại nhiều vị trí trên bao hàng thì tại từng vị trí việc ghi lượng phải đáp ứng yêu cầu nêu trên. Thông tin về lượng hàng đóng gói sẵn bổ sung thêm hoặc miễn phí phải được ghi rõ cùng với lượng danh định (Qn) trên nhãn, trừ trường hợp cơ sở sản xuất công bố rõ lượng bổ sung thêm hoặc miễn phí nêu trên đã bao gồm trong lượng danh định (Qn) của hàng đóng gói sẵn.

     Về dấu định lượng, hàng đóng gói sẵn nhóm 1 được mang dấu định lượng trên nhãn hàng hóa nếu đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 4 và Điều 5 và được cơ sở đáp ứng yêu cầu quy định tương ứng tại Điều 10 hoặc Điều 11 tự công bố theo quy định tại Mục 2 Chương IV của Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN. Hàng đóng gói sẵn nhóm 2 phải mang dấu định lượng trên nhãn hàng hóa sau khi cơ sở sản xuất, nhập khẩu được chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng theo quy định tại Mục 3 Chương IV của Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN.

     Dấu định lượng là ký hiệu được sử dụng để thể hiện lượng của hàng đóng gói sẵn phù hợp quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN. Dấu định lượng là chữ V, kiểu chữ in hoa, chữ đứng và đậm, phông chữ “Times New Roman”. Chiều cao chữ lớn hơn hoặc bằng 03 milimét.

     Dấu định lượng được thể hiện bằng cách in, gắn hoặc dán trực tiếp trên hàng hóa hoặc trên bao bì, nhãn gắn trên hàng hóa ở vị trí dễ thấy, dễ đọc và thể hiện cùng mầu với lượng danh định và đặt ở vị trí trước lượng danh định của hàng đóng gói sẵn. Giữa dấu định lượng và lượng danh định phải có 01 ô trống.

                                                                                                           Nguồn: vietq.vn

Tin khác