Tin tức sự kiện
Xuất khẩu sang Đức, doanh nghiệp Việt gặp khó vì tiêu chuẩn mới
Theo Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Đức, xuất khẩu sang thị trường này đang gặp nhiều thách thức khi phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật mới.

     Cụ thể, các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của EU đối với sản phẩm đồ gỗ, dệt may, giày dép liên quan đến an toàn sản phẩm, hạn chế sử dụng một số hóa chất trong sản phẩm, quy định về gắn nhãn CE… đặc biệt là các quy định liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

     Ví dụ, Đức áp dụng Luật nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Luật này tác động gián tiếp tới nhà xuất khẩu của Việt Nam. Nhà nhập khẩu có thể yêu cầu doanh nghiệp Việt cung cấp thêm các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc của sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương trả cho lao động, cách thức xử lý chất thải nhà máy…

     Hay các loại chứng nhận như: chứng nhận BSCI của Hiệp hội kinh doanh toàn cầu về thương mại bền vững Amfori, chứng nhận SA 8000 (hệ thống các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội…), chứng nhận SEDEX/Smeta, FSC về quản lý rừng bền vững, tiêu chuẩn green button trong ngành dệt may.

Ảnh minh hoạ.

     Ngoài ra là những đáp ứng về quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan trong EVFTA… Thương vụ Việt Nam tại Cộng hoà liên bang Đức cho rằng, trên thực tế nhiều nguyên liệu sản xuất và các loại sản phẩm của Việt Nam hiện vẫn đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc và một số nước châu Á khác.

     “Việc đáp ứng quy tắc xuất xứ trong EVFTA là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt để tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định này”, Thương vụ Việt Nam tại Cộng hoà liên bang Đức nhấn mạnh.

     Khi bị nghi ngờ về xuất xứ, hải quan Đức sẽ yêu cầu nhà nhập khẩu đóng khoản thuế bảo lãnh và khoản thuế này sẽ được hoàn lại khi có kết quả xác minh tính chính xác của bộ chứng từ về quy tắc xuất xứ theo quy định trong EVFTA.

     Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Đức, Thương vụ Việt Nam tại Cộng hoà liên bang Đức cho rằng, doanh nghiệp cần có kế hoạch tham gia các hội chợ chuyên ngành, hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm đối tác và cơ hội kinh doanh. Chẳng hạn, hội chợ đồ gỗ, đồ nội thất ở Đức tại các thành phố như Stuttgart, Nurnberg, Koln, Hannover; Hội chợ về đồ nội thất quốc tế lớn là IMM Koln, Interzum ở Koln;

     Hội chợ Dệt may: Hội chợ HeimTextil tại Frankfurt, H+H tại Cologne, Tecstyle visions tại Stuttgart… Hội chợ Da giày: Hội chợ International Leather Goods Fair tại Mainz, Shoes tại Dusseldorf.

     Hội chợ Cơ khí: Hannover Messe (máy móc, tự động hóa, công nghệ..); BAUMA (máy móc xây dựng), EMO Hannover (máy móc công nghệ gia công kim loại), AUTOMECHANIKA Frankfurt (ô tô, phụ tùng linh kiện), INTERPACK (máy móc thiết bị giải pháp ngành công nghiệp đóng gói, chế biến…).

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 6 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Đức đạt trên 5,57 tỷ USD, tăng 1,75%. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 3,82 tỷ USD tăng 3,2% và nhập khẩu của Việt Nam từ Đức đạt khoảng 1,75 tỷ USD, giảm 1,2%. Như vậy, Việt Nam xuất siêu sang Đức đạt 2,06 tỷ USD, tăng 7,18%.

                                                                                                      Nguồn: vietq.vn

Tin khác