Thông tin cảnh báo
Bột giặt giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng: Nguy cơ chứa hóa chất độc hại
Mặc dù bột giặt là sản phẩm quen thuộc không thể thiếu đối với mỗi gia đình tuy nhiên thời gian qua hiện tượng kinh doanh bột giặt giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng vẫn thường xuyên diễn ra gây nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng.

     Kinh doanh bột giặt giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam

     Trước đó, ngày 14/2/2023 Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.Cần Thơ cho biết, qua công tác nắm địa bàn, Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra đột xuất shop H.T (Khu vực 4, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) do bà Đ.H.T (sinh năm 1987) làm chủ, đang chứa gần 2 tấn bột giặt không rõ nguồn gốc. Kết quả kiểm tra, Đội QLTT số 1 phát hiện tại shop H.T có 200 thùng (9kg/thùng) bột giặt có nhãn bằng tiếng nước ngoài không thể hiện nguồn gốc nơi sản xuất, gắn nhãn hiệu Tide có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Tide.

     Làm việc với cơ quan chức năng, bà T. cho biết mua 200 thùng bột giặt gắn nhãn hiệu Tide nói trên qua Zalo với giá 205.000 đồng/thùng, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Đội QLTT số 1 đã tiến hành niêm phong, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.

Bột giặt giả mạo nhãn hiệu bị thu giữ và tiêu hủy. Ảnh: Cục QLTT Gia Lai

     Tiếp đến, ngày 13/10/023 tại cơ sở kinh doanh của ông Phạm Trung Dương, địa chỉ Tổ 7, phường Phù Đổng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Đoàn kiểm tra phát hiện bên trong cơ sở kinh doanh có 58 thùng (mỗi thùng 08kg, với giá bán là 190.000 đồng/thùng) bột giặt có nhãn bằng tiếng nước ngoài không thể hiện nguồn gốc nơi sản xuất, có gắn nhãn hiệu “Tidde và hình” trên vỏ thùng.

     Sau khi kiểm tra, so sánh, đối chiếu ban đầu 58 thùng bột giặt này, mặt dù nhãn hiệu ghi thêm một ký tự “d”, nhưng không tạo nên sự khác biệt đối với nhãn hiệu bột giặt “Tide” đang được bảo hộ tại Việt Nam. Xét thấy số hàng hóa này có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ để xác minh làm rõ.

     Qua xác minh, làm việc với đại diện chủ thể quyền của nhãn hiệu “Tide” đang được bảo hộ tại Việt Nam, từ các tài liệu, chứng cứ có được và căn cứ quy định của pháp luật. Đội Quản lý thị trường số 1 đã kết luận toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu bột giặt Tide đang được bảo hộ tại Việt Nam, lập hồ sơ chuyển người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ban hành quyết định xử phạt 16.000.000 đồng và tịch thu toàn bộ 58 thùng bột giặt nêu trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

     Không chỉ nhãn hiệu bột giặt Tide bị làm giả mà trước đó ngày 7/6/2022 hơn 600 gói bột giặt có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu OMO đang được vận chuyển trên phương tiện vận tải qua địa bàn huyện Vị Xuyên thì bị lực lượng QLTT tỉnh Hà Giang phát hiện và tạm giữ.

     Vào tháng 3/2023, Đội QLTT số 4 Cục QLTT tỉnh Hải Dương đã tổ chức kiểm tra đột xuất đối với Hộ kinh doanh N.V.K do ông N.V.K làm chủ tại Thôn Bùi Xá, xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

     Tại đây Đoàn kiểm tra phát hiện tại địa điểm kinh doanh đang bày bán hàng hóa là 470 túi bột giặt mang nhãn hiệu OMO loại 350g, 380g, 770g, loại 2,9 kg. Theo ghi nhận, đối với Bột giặt mang nhãn hiệu OMO loại 350g, loại 380g, loại 770g và loại 2,9kg: Hai mép hàn ở hai đầu túi không đồng nhất, có vết gấp ở hai bên hông túi, nhãn hiệu OMO được in trực tiếp trên từng sản phẩm. Bước đầu đấu tranh, chủ cơ sở đã thừa nhận toàn bộ số hàng hóa nêu trên là hàng giả mạo được mua trôi nổi về để bán kiếm lời; không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp theo quy định. 

     Bột giặt giả mạo, kém chất lượng nguy cơ chứa hóa chất độc hại

     Nói tới tác hại từ bột giặt kém chất lượng, giả mạo nhãn hiệu, các chuyên gia cho biết, mặc dù bột giặt là một trong những thứ thiết yếu trong mỗi gia đình thế nhưng, không phải loại bột giặt nào cũng có thể giặt sạch và đảm bảo an toàn cho cơ thể, đặc biệt là những sản phẩm kém chất lượng, giả mạo nhãn hiệu, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng để thu lợi bất chính.

      Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), trong nước xả vải, bột giặt thường chứa những hóa chất như Benzyn acetate, Benzyn alcohol, Ethyl acetate, Camphor, Chloroform. Nước tẩy rửa nhà tắm, bồn cầu thường chứa hóa chất Benzyl, Polyetylen, Sodium hypochlorite, Chlorine… Đây đều là những hóa chất độc hại cho sức khỏe con người, nhất là đối với những sản phẩm kém chất lượng hàm lượng các chất này không được đảm bảo.

     Rất nhiều người cứ thích bột giặt nước giặt có mùi hương thật thơm, và thơm thật lâu trên áo quần sau khi giặt xong. Nhưng các chất tạo mùi hương hay chất làm mềm vải này vô cùng độc hại. Có tới 95% thành phần các hương liệu ấy có nguồn gốc từ dầu mỏ rất độc hại đến sức khỏe con người như toluen, aceton, dẫn xuất của benzen, metylen, clorua... Và nghiên cứu khoa học đã chứng minh những chất này có thể gây ung thư, di tật bẩm sinh, vô sinh, tổn hại hệ thần kinh, hệ hô hấp. Vì vậy bột giặt càng có hương thơm càng nguy hiểm đến sức khỏe.

     Ngoài ra theo nhiều nghiên cứu của cơ quan An toàn sức khỏe Pháp cho rằng, có đến 90% các sản phẩm hóa mỹ phẩm có chứa chất Paraben, chất này đóng vai trò là chất bảo quản ngăn chặn vi khuẩn. Tuy nhiên chất này gây ảnh hưởng đến hệ nội tiết cũng như gây dị ứng da. Năm 2005, người ta phát hiện ra chất này trong khối ung thư vú ở phụ nữ. Hóa chất paraben cũng gây ra những ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nam giới, làm ảnh hưởng đến giống nòi.

 
Liên quan tới hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, theo Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009: Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Nói cách khác, hàng hóa này đã được bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ. Mọi hình vi xâm phạm làm tổn hại đến nhãn hiệu đều phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại Điều 129. Theo đó, các hành vi thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: Việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ. Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự; hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó. Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự. Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng; dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng. 
                                                                                                             Nguồn: vietq.vn
Tin khác